Tiềm lực của tân binh địa ốc sẵn sàng chi 1.000 tỷ cho khu dân cư ở Hải Phòng
Việc có nhà đầu tư mới sẵn sàng chi nghìn tỷ cho khu dân cư nông thôn mới tại Hải Phòng đã khiến nhiều người tò mò về danh tính cũng như tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp này.
Khu dân cư nông thôn mới tại xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP. Hải Phòng có tổng chi phí sơ bộ là 965,5 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 64,5 tỷ đồng.
Diện tích khu đất thực hiện dự án là 127.810m2, trong đó diện tích đất ở thương mại là 31.732m2; đất nhà ở xã hội 8.745m2; đất giáo dục 2.310m2; đất thương mại, dịch vụ 4.722m2; còn lại là đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật, giao thông...
Nhà đầu tư nộp hồ sơ làm dự án là CTCP Tập đoàn Sơn Phúc có địa chỉ tại đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
CTCP Tập đoàn Sơn Phúc có gì?
Tiền thân của doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Sơn Phúc, được thành lập năm 2010. Doanh nghiệp định hướng định hướng trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, nhà phát triển bất động sản uy tín.
Năm 2021 là năm bản lề của đơn vị, ghi dấu với hàng loạt dự án hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương trên cả nước được khởi công (khu đô thị mới bên bờ Sông Lô, TP. Tuyên Quang, quy mô 19,8ha; khu đô thị Bắc Sông Hiến, Cao Bằng, quy mô 45ha...), tăng số vốn hóa trong hệ sinh thái của Tập đoàn lên gần 2.000 tỷ đồng.
Sơn Phúc cũng phát triển thêm lĩnh vực bất động sản công nghiệp, định hướng tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Năm 2022, có 15 dự án quy mô được nghiên cứu, đầu tư và xúc tiến pháp lý; 8 dự án khu đô thị được tiến hành khởi công, xây dựng…
Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp là 1.226 tỷ đồng với 6 cổ đông sáng lập, bao gồm: Bùi Thanh Tuyền; Phạm Hồng Quang; Trần thị Bỉnh Xuân; Nguyễn Thế Hùng; Trần Hồng Quảng Dương; Lương Thế Vũ.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Sơn Phúc hiện có chi nhánh sàn giao dịch bất động sản Sơn Phúc tại tỉnh Tuyên Quang và chi nhánh sàn giao dịch bất động sản Sơn Phúc tại tỉnh Bắc Kạn.
Tuy còn non trẻ nhưng Sơn Phúc cũng vướng vào không ít lùm xùm tai tiếng, gây mất uy tín doanh nghiệp.
Tập đoàn Sơn Phúc bị tố lừa bán đất nền tại dự án “ảo” ở Bắc Kạn
Theo thông tin từ báo Giao thông, đầu năm 2020, lợi dụng cơn sốt của thị trường bất động sản đang lên, CTCP Đầu tư Sơn Phúc đã vẽ ra các dự án liên quan để chiếm dụng vốn của người dân. Sự việc trên diễn ra tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Điều đáng nói, Sơn Phúc không có dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhưng lại nhận bừa một dự án của huyện đang triển khai là của mình, rao bán và nhận đặt cọc của người dân. Như vậy, công ty đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kể cả khi công ty này có trả hết tiền đã thu của người dân thì vẫn có thể khởi tố điều tra, truy tố về hành vi này. Khi công ty này thu tiền có đóng dấu, có biên lai, thì người đại diện pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm.
Sau khi bị tố giác, đại diện CTCP Đầu tư Sơn Phúc đã chính thức lên tiếng và cho rằng đơn vị mình đã được UBND tỉnh Bắc Kạn “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư vào địa bàn.
Đưa ra một số văn bản liên quan, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Sơn Phúc cho biết, ngày 4/12/2017, đơn vị được UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị tại tổ 1A và 2A, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.
Sau đó CTCP Đầu tư Sơn Phúc đã được phê duyệt quy hoạch, thiết kế cơ sở, ứng hơn 10 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, san lấp. Lúc đó, công ty cứ nghĩ dự án trên đã là của mình, sản phẩm làm ra sẽ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương nên đã khảo sát thị trường, nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ của các hộ dân với cam kết khi nào đủ điều kiện sẽ chuyển nhượng đất trong dự án.
Tuy nhiên, do vướng quy định của Luật Đất đai nên UBND tỉnh Bắc Kạn không giao đất cho công ty này. Đồng thời, thay đổi chủ trương đầu tư, giao dự án trên cho UBND huyện Chợ Đồn thực hiện theo thủ tục đấu giá. Sau đó, dự án chỉ được xác định có 12.639m2 đất ở đô thị, giá khởi điểm gần 33 tỷ đồng. Do giá quá cao nên CTCP Đầu tư Sơn Phúc chưa tham gia.
Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi thừa nhận mình đã sai khi nhận tiền đặt cọc của người dân nhưng đến hẹn mà không thể giao đất. Khi người dân có ý kiến, một số cán bộ của đơn vị chưa giải thích đúng, kịp thời gây bức xúc. Sau phản ánh của Báo Giao thông, chúng tôi đã gặp gỡ, trả lại hết số tiền đã nhận đặt cọc mua bán đất trên cho các hộ dân”.
Dự án 20ha tại “đất vàng” Tuyên Quang đến ngày bàn giao nhưng vẫn toàn cỏ
Dự án khu đô thị mới bên bờ sông Lô do CTCP Tập đoàn Sơn Phúc làm chủ đầu tư, nằm toạ lạc cạnh cầu Tình Húc (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang). Từ nhiều tháng nay, dự án vẫn nằm chờ bất động, không triển khai thi công.
Dự án có diện tích 19,8ha, tổng đầu tư hơn 350 tỷ đồng, được chấp thuận chủ trương từ tháng 7/2020, theo dự kiến đến tháng 2/2023 sẽ hoàn thành hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên đên nay, dự án vẫn chưa có hệ thống chiếu sáng, cống thoát nước, vỉa hè...
Phần lớn diện tích đất dự án, cỏ đã mọc um tùm gây mất mỹ quan, nhếch nhác
Theo thông tin từ báo Lao động, người dân sinh sống gần dự án cho biết nơi đây vốn là đất nông nghiệp của người dân, sau đó thu hồi và giao lại cho doanh nghiệp triển khai xây dựng khu đô thị. Thời gian đầu thi công rầm rộ nhưng vài tháng trở lại đây không thấy bóng dáng người và phương tiện thi công.
Dự án trên dừng toàn bộ việc thi công các hạng mục từ cuối tháng 5/2023 sau khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực. UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án giao đất cho các nhà đầu tư. Việc này được cho phù hợp với các quy định của Nghị định 10/2023/NĐ-CP.