Timeshare: Thêm cách rải tiền mới của giới 'siêu' giàu
Thay vì trả tiền cho những đêm nghỉ riêng lẻ tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng mỗi năm, những đối tượng nhiều tiền bắt đầu chuyển sang chọn cách mua trước kỳ nghỉ cho một vài chục năm.
Đây là một hình thức tiêu dùng được đánh giá thông minh, chưa kể cũng là một kênh "rải tiền" hứa hẹn sinh lời ở khía cạnh đầu tư.
Mua tương lai, trả tiền trong hiện tại
Mô hình sở hữu kỳ nghỉ (timeshare) - hiểu nôm na là quyền sở hữu, lưu trú tại một dự án nghỉ dưỡng cao cấp trong một khoảng thời gian xác định hàng năm, ở một số năm nhất định hoặc vĩnh viễn, bắt đầu vào Việt Nam cách đây 1-2 năm. Song cho đến giờ đến cái tên gần như vẫn còn khá mới mẻ và bỡ ngỡ, ngay cả trong giới "nhà giàu".
Theo ông Thân Thành Vũ, Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp Bất động sản Du lịch, thực ra hình thức này không còn mới mẻ trên thế giới. Và ngay tại Việt Nam, việc khách hàng bỏ tiền ra mua quyền sở hữu đêm nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng theo tuần hoặc năm cũng tương tự như hình thức khá phổ biến hiện nay, đó là mua thẻ chơi golf hay mua thẻ thành viên tại các chuỗi khách sạn lớn như Sheraton, Sofitel...
Lợi ích của việc "mua tương lai, trả giá một lần trong hiện tại" này là tiết kiệm chi phí trông thấy so với hình thức mua quyền từng ngày riêng lẻ. Bên cạnh đó, người sở hữu thẻ được ưu tiên giữ chỗ ngay cả những ngày lễ tết, cuối tuần đông khách; được ưu đãi, giảm giá, tích luỹ điểm. Và đặc biệt là được trao đổi, luân chuyển về thời gian, địa điểm với một bất động sản nghỉ dưỡng liên kết khác ở trong và ngoài nước nếu muốn; có quyền chuyển nhượng, biếu tặng hay bán lại thẻ như một tài sản có giá trị.
Tiết kiệm nhưng không phải để "làm giàu"
Có thể hình dung thế này, với mức giá phổ biến dao động từ 150-200 USD/phòng/đêm tại các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam hiện nay. Một gia đình gồm 2 người lớn, 1 trẻ em mỗi năm đi nghỉ từ 5-7 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 USD cho chi phí ở. Với 10 năm liên tục, con số này sẽ không dưới 10.000 USD.
Nếu có thẻ sở hữu kỳ nghỉ, mức đầu tư ban đầu "một cục" có thể khá cao nhưng chia ra chi phí trung bình cho tiền phòng/đêm/năm sẽ thấp hơn việc đi nghỉ tự phát hàng chục phần trăm. Con số lợi ích với người mua này sẽ càng tăng lên khi số năm trên thẻ càng nhiều.
Nhân viên tư vấn và kinh doanh của một chuỗi khu nghỉ dưỡng đẳng cấp từ 4-6 sao tại Việt Nam làm phép tính dựa trên hai gói sản phẩm mà họ đưa ra đó là loại 17 năm và 27 năm. Theo đó, với mức giá hiện tại là 8.800USD/17 năm cho tổng số 119 đêm nghỉ (tức 7 đêm/năm) thì mức giá trung bình sẽ rơi vào 74USD/đêm. Tương tự, với loại thẻ sở hữu kỳ nghỉ 27 năm, giá hiện tại là 12.100USD cho 189 đêm nghỉ, thì con số sẽ chỉ còn 64USD/đêm.
Như vậy, chỉ nói riêng về giá, hình thức mua trước kỳ nghỉ với giá hiện tại đã tỏ ra rất "hời" khi yếu tố lạm phát - giá phòng nghỉ tăng lên hàng năm hoàn toàn được loại trừ. Đó là chưa kể, trong nỗ lực tiếp thị tới khách hàng, một loạt ưu đãi khác về giá khi sử dụng các dịch vụ, ăn uống trong và ngoài khu nghỉ được áp dụng liên tục.
Và nhất là trên thị trường, giá trị chuyển nhượng thẻ tuỳ thuộc vào số người sử dụng, giá trị thương hiệu và dịch vụ tích hợp tại các khu nghỉ đã không còn dừng lại ở mức giá ban đầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Phó Giám đốc Câu lạc bộ kỳ nghỉ Ninh Vân Bay - đơn vị tiên phong áp dụng mô hình này, kể từ khi ra mắt hồi tháng 10/2010, 100 khách hàng đầu tiên sở hữu dòng thẻ 17 năm được mua với mức giá 6.600 USD, nhưng 3 tháng sau, tức tháng 1/2011, giá trị thẻ phát hành trên thị trường đã đạt con số 8.800 USD. Như vậy, nghiễm nhiên những khách hàng đầu tiên đã được lời 2.200 USD/thẻ.
Áp dụng phương thức điều chỉnh giá dựa trên lượt 100 khách hàng, nhiều khả năng khoảng cuối quý 3/2011, giá trị thẻ sở hữu kỳ nghỉ sẽ tiếp tục được câu lạc bộ này điều chỉnh tăng lên lần thứ 2 so với giá khởi điểm.
"Nếu nhìn ở khía cạnh tăng giá trị, đây là 1 kênh đầu tư rất tốt cho những nhà đầu tư muốn dàn trải nguồn vốn của mình, chứ không tập trung vào một kênh. Cùng là hình thức đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng suất đầu tư ở đây thấp hơn hẳn so với việc bỏ vài trăm nghìn đến cả triệu đôla để sở hữu một căn biệt thự hay villa trong khi giá trị sử dụng thực tế không cao" - ông Nguyễn Thanh Vũ so sánh.
Phương tiện thể hiện đẳng cấp
Mặc dù có những tín hiệu tích cực về mặt đầu tư ở hiện tại nhưng theo khảo sát tâm lý của những người đã, đang và dự định sở hữu loại thẻ nghỉ dưỡng này, yếu tố đầu tư - hay nói cách khác, mục đích thu lợi, làm giàu từ việc chuyển nhượng thẻ không mấy khi được đặt ra. Chỉ đơn giản là đối tượng bỏ tiền ra mua chủ yếu thuộc giới "siêu giàu", có nhu cầu và thời gian dành cho du lịch nghỉ dưỡng, giao lưu và là phương tiện thể hiện đẳng cấp.
Một nghiên cứu tổng hợp thói quen sử dụng sản phẩm ở các nước trên thế giới cho thấy, có trên 40% sử dụng cho mục đích tiêu dùng cá nhân, tránh rủi ro về lạm phát trong tương lai, 44% mua để chia sẻ, trao đổi kỳ nghỉ, số còn lại dùng vào việc biếu tặng ngoại giao hoặc cho thuê lại.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận của giới kinh doanh, đối tượng mua đa số là các doanh nhân giàu có, phổ biến chọn loại thẻ 27 năm. Gần như rất hiếm trường hợp dùng thẻ để chuyển nhượng kiếm chênh lệch, mà chủ yếu sử dụng với ý nghĩa tinh thần, như một nơi chăm sóc bản thân, gia đình, đối tác, bạn bè thân thích và số ít là dành cho nhân viên trong công ty.
Đứng ở góc độ người dùng, quản lý cấp cao của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với thu nhập vài nghìn đô/tháng cho biết, chị đang cân nhắc việc mua loại thẻ timeshare này.
"Nếu mua tôi sẽ không nghĩ đến chuyện chuyển nhượng, mà để xài và khoe với bạn bè. Ở một cấp độ nhất định thì giá trị sử dụng hữu hình và vô hình của sản phẩm trong việc tạo một điểm đến giao lưu của cộng đồng doanh nhân, đặc biệt sự thuận tiện khi book phòng kể cả lúc cao điểm, so với đi riêng lẻ là điều quan trọng hơn cả".
Còn từ góc độ đầu tư, chị A.L - trưởng phòng của một doanh nghiệp phát triển bất động sản tại Hà Nội đánh giá, giải ngân vào lĩnh vực mới này cũng đầy thú vị bởi giá cả hợp lý mà lại là "của mình".
Chị phân tích: "Chỉ nói riêng chi phí dành cho 10 năm đi du lịch tự phát đã bằng 30 năm dùng thẻ nghỉ dưỡng. Như vậy bản thân người dùng đã lãi 20 năm. Tuy vậy, kỳ vọng sản phẩm này quay vòng vốn ngay thì khó, bởi nó vẫn còn rất mới mẻ đối với thị trường, do vậy sẽ còn mất thời gian để nhà đầu tư tiếp cận, thăm dò hình thức này".
Năm 2010, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam đạt 30% so với năm 2009, ở mức 5 triệu khách. Con số khách du lịch nội địa cũng đạt 15 triệu. Cùng với sự tăng trưởng thu nhập, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn tăng cao thời gian tới.
Những con số nêu trên là cơ sở để Tổng thư ký Hội doanh nghiệp bất động sản du lịch - ông Thân Thành Vũ nhìn nhận, tương lai rất triển vọng, tiềm năng của thị trường thẻ sở hữu kỳ nghỉ, vốn đang ở giai đoạn manh nha, nhỏ bé. Không chỉ gia tăng các đơn vị áp dụng mô hình này mà số lượng người tham gia sở hữu, tiêu dùng loại thẻ này cũng được cho là nở rộ thời gian tới.
Theo Nguyễn Nga
Diễn đàn kinh tế Việt Nam