Tín dụng tăng trưởng âm, huy động vốn suy giảm: Dòng tiền đổ về đâu?

Mặc dù phía NHNN cũng như ngân hàng thương mại đã nỗ lực khơi thông dòng chảy tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm vẫn chưa có tín hiệu tích cực khi vẫn tiếp tục tăng trưởng âm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tăng trưởng tín dụng 'buồn'

Theo báo cáo mới đây của VDSC, tính đến ngày 16/2, tăng trưởng tín dụng giảm 1% so với cuối năm trước. Dù chưa có số liệu chính thức tính đến cuối tháng 2/2024 nhưng mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục âm trong tháng thứ 2 liên tiếp.

Bên cạnh đó, huy động vốn của nền kinh tế cũng đang trong trạng thái ảm đạm. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 ước giảm 1,6% so với cuối năm 2023, trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và huy động vốn bằng USD giảm 5,9%.

Theo nhận định của VDSC, “mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2024 có vẻ nghiêm trọng hơn vì điều kiện năm nay khác với thời kỳ trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm”.

Trước đó, NHNN cũng thông báo tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% tính đến cuối tháng 1/2024. Trong đó, có tới 5/9 tổ chức tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng giảm, trong đó tăng trưởng tín dụng ở nhóm ngân hàng liên doanh giảm mạnh nhất ở mức 3,41%. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng giảm 2,3% ở Vietcombank, giảm 1,3% ở BIDV hay giảm 0,7% ở MBBank.

Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, việc tăng trưởng tín dụng trong thời điểm đầu năm hiện đang khó khăn khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm và còn nhiều thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp “hồi sức” hoặc chưa đủ điều kiện để được cấp tín dụng. việc tăng trưởng tín dụng giảm có nguyên nhân là do tính quy luật - nhu cầu vốn thường giảm trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng quan điểm, lãnh đạo NHNN cũng nhận định, tín dụng giảm do khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là khi cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm. Ngoài ra, cùng với rủi ro nợ xấu tăng cao, cộng với việc Thông tư 02 sắp hết hiệu lực nên các tổ chức tín dụng cũng có phần thận trọng hơn khi cho vay.

Bên cạnh đó, sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà giảm đã tác động rất lớn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bởi tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm hơn 62% tổng dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống.

Khơi thông tín dụng

Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã chỉ đạo, triển khai các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Các ngân hàng nỗ lực kích cầu tín dụng ngay từ đầu năm.
Các ngân hàng nỗ lực kích cầu tín dụng ngay từ đầu năm.

NHNN cũng đã chủ động giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để các ngân hàng có thể tự điều chỉnh kế hoạch phù hợp. Trong khi đó, các ngân hàng đã đồng loạt hạ mức lãi suất cho vay, thậm chí giảm về mức trước Covid-19 cũng như triển khai loạt gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Tính đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Tuy vậy, để có thể tăng trưởng tín dụng như mong đợi, theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Vietin Bank, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

GS-TS Võ Xuân Vịnh, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng: “Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt các hoạt động kinh tế, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển tốt hơn, kéo theo nhu cầu vay vốn cao hơn”.

Đối với các doanh nghiệp, cần phát triển các thị trường mới, bạn hàng mới. Thị trường trong nước cũng cần có chính sách tăng sức mua, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tốt hơn. Ngoài ra, dòng tiền cũng nên tập trung đi vào các lĩnh vực kinh doanh thực chất, cần thiết, ông nói.

Ngoài ra, theo báo cáo của SSI Research, phía ngân hàng cũng nên chú trọng vào lĩnh vực hạ tầng. Các chuyên gia của SSI Research dự báo, trong năm nay dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể sẽ được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và FDI.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance