Tỉnh có đường bờ biển dài top đầu Việt Nam đón thêm 3 dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp
Nếu tính thêm 3 dự án mới, số lượng công trình đầu tư vào khu công nghiệp của địa phương này đã đạt 69 dự án.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển; nhiều doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định, tập trung vào các nhóm ngành hàng chủ lực, như: Giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều, thủy sản, thực phẩm, gỗ, cơ khí, khoáng sản và nhóm ngành hàng thương mại và dịch vụ.
Bên cạnh đó, doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 47,6% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 110 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 65 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,3% kế hoạch năm 2024.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm, tập trung vào các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long, xoài sấy, phân bón, đá thạch anh nhân tạo, sản xuất thùng carton.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai đầu tư xây dựng để đưa dự án vào hoạt động.
Đáng chú ý, trong 6 tháng năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 3 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 1.045 tỷ đồng và 12 triệu USD, diện tích thuê đất là 17,44ha.
Cụ thể, dự án sản xuất bao bì giấy của CTCP Huy Tường đầu tư vào khu công nghiệp Hàm Kiệm II, tổng vốn đầu tư đăng ký 50 tỷ đồng, diện tích 2,49ha.
Dự án xỉ titan của CTCP Titan Dioxit Sông Bình đầu tư vào khu công nghiệp Sông Bình, tổng vốn đầu tư đăng ký là 995 tỷ đồng, diện tích 9,95ha.
Dự án sản xuất văn phòng phẩm Shiny Circle Việt Nam của Công ty Shiny Circle Limited đầu tư vào Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, với diện tích khoảng 5ha, vốn đầu tư 12 triệu USD.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; có 2 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là Công ty TNHH Sheh Fung Screws Việt Nam và dự án Kho chứa thiết bị điện nước của CTCP Phước Thạnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 66 dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu tính cả 3 dự án mới là 69 dự án đầu tư.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng và các Sở, ngành, địa phương đề xuất phương án phát triển và mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương.
Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Đường bờ biển của tỉnh dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (Bình Thuận xếp thứ 5, sau Khánh Hoà, Cà Mau, Quảng Ninh, Kiên Giang).
Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Đường bờ biển của tỉnh dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (Bình Thuận xếp thứ 5, sau Khánh Hoà, Cà Mau, Quảng Ninh và Kiên Giang).