Tỉnh duy nhất miền Bắc không có rừng: Sẽ lên TP trực thuộc Trung ương, sở hữu tuyến đường rộng hơn cao tốc với 14 làn xe
Đây là tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có rừng, theo hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên, tỉnh nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, với vị trí địa lý thuận lợi và địa hình bằng phẳng. Hưng Yên giáp Bắc Ninh ở phía Bắc, Hà Nội ở phía Tây Bắc, Hải Dương ở phía Đông, Thái Bình ở phía Nam, và Hà Nam ở phía Tây Nam. Được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ từ sông Hồng và sông Luộc, tỉnh nổi tiếng với những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, đầm sen rộng lớn và các đặc sản như nhãn lồng, mật ong, hạt sen.
Hưng Yên rộng hơn 923km2, chiếm 6,2% diện tích đồng bằng Bắc Bộ, với địa hình bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Theo báo cáo hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023, đây là tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có rừng.
2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, với quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đến năm 2050, Hưng Yên sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thông minh, giàu đẹp, văn minh và giàu bản sắc văn hóa. Phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, Hưng Yên sẽ trở thành nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng và cơ hội phát triển của Hưng Yên, là vùng đất "địa linh nhân kiệt" với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực con người và truyền thống văn hóa lịch sử. Hưng Yên cần phát huy hơn nữa sự đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ với tầm nhìn cao hơn, xa hơn và rộng hơn.
Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch thể hiện khát vọng và góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.
Thủ tướng nhấn mạnh về kỳ vọng tạo nên “kỳ tích sông Hồng” của tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị công bố Quy hoạch vào 7/7: "Quy hoạch chỉ ra được những điểm khác biệt, nổi trội của Hưng Yên so với các tỉnh xung quanh, từ đó phát triển không trùng dẫm mà liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên "kỳ tích sông Hồng", Hưng Yên phải tích cực trong việc triển khai, cụ thể hóa Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Tuyến đường nối Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình: Đòn bẩy phát triển kinh tế Hưng Yên
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư, đã được khởi công từ cuối năm 2021. Tuyến đường dài gần 20km, được thiết kế với 14 làn xe, rộng hơn nhiều cao tốc hiện nay.
Điểm đầu của tuyến đường bắt đầu từ nút giao Yên Mỹ, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Điểm kết thúc là tại km20, giao với quốc lộ 38B. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Tuyến đường gồm 6 làn xe ở giữa và 8 làn ở hai đường bên. Hệ thống đường bên cho phép các phương tiện lưu thông hai chiều, tách biệt với dòng xe di chuyển trên trục chính nối hai cao tốc. Điều này đảm bảo an toàn và thuận tiện cho phương tiện địa phương.
Tuyến đường mới giúp giảm thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tới 30 phút so với lộ trình qua cầu Yên Lệnh và quốc lộ 39. Đường kết nối với hàng loạt khu công nghiệp tại các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, và các khu đô thị, khu dân cư tại thành phố Hưng Yên, huyện Kim Động, Tiên Lữ. Đây là một trục giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế và hạ tầng vùng.
Tuyến đường còn được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc hai bên đường, tạo đà cho Hưng Yên phát triển mạnh mẽ. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ cải thiện giao thông giữa Hưng Yên và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam và Thái Bình.
Ngoài ra, cùng với cầu Hưng Hà, tuyến đường này sẽ nâng cao năng lực khai thác của tuyến nối hai cao tốc, tạo thành trục giao thông quan trọng phát triển kinh tế - xã hội giữa Hưng Yên, Hà Nam và khu vực phía đông nam Đồng bằng sông Hồng.
Dự án xây dựng hệ thống đường bên của tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 2172/QĐ-UBND ngày 14/9/2021, với chiều dài thiết kế 19,68 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025, và đơn vị trúng thầu thi công là doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường.