Tỉnh nằm ở vị trí vàng 'nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ' công bố loạt dự án quy mô vốn 54.000 tỷ đồng
Các dự án nằm trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng số vốn gần 17.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng trao quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác với tổng số vốn khoảng 37.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang đã giới thiệu 40 dự án trên ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án).
Một số dự án trong quy hoạch của tỉnh Tiền Giang thời gian tới
Quy hoạch Tiền Giang xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển, gồm: Hai tâm (Trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước); Một dãi (đó là, dãi ven sông Tiên quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch); Bốn hành lang kinh tế (hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long) và Ba đột phá chiến lược (tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dung và đãi ngộ nhân tài)”.
Tỉnh Tiền Giang tập trung phát triển hạ tầng giao thông
Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2.510,61km2. Vị trí địa lý chiến lược "nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ", cách TP. HCM 70km về phía Nam và cách TP. Cần Thơ 100km về phía Bắc, Tiền Giang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP. HCM cả về đường thuỷ lẫn đường bộ.
So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang là một trong 4 nền kinh tế có quy mô, tốc độ tăng trưởng cao, mật độ kinh tế (xét theo GRDP/km2) của tỉnh là khá lớn, đứng thứ 2 toàn vùng (sau Cần Thơ), thu NSNN /người cao thứ 7 toàn vùng.
Tiền Giang là một tỉnh trù phú, giàu mạnh của miền Tây
Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư và đang huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng nhanh và đồng bộ hệ thống giao thông mang tính chất liên kết vùng, liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong năm 2023, Sở GTVT triển khai thực hiện 54 công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn Quỹ Bảo trì đường bộ; trong đó có 4 công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sang và 50 công trình khởi công mới. Đến tháng 12/2023 đã hoàn thành 49 công trình, còn 5 công trình đang thi, công dự kiến tiếp tục chuyển tiếp phần khối lượng còn lại sang thực hiện năm 2024.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công được giao là 90,3 tỷ đồng và giải ngân đến tháng 12/2023 đạt 100% vốn được giao; nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ là 175 tỷ đồng, giải ngân đến đầu tháng 12/2023 đạt 153 tỷ đồng (87,4%), đang tiếp tục chuyển hồ sơ đến kho bạc để giải ngân phần vốn còn lại, dự kiến giải ngân 100% vốn được giao.
Trong năm 2024, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Dự án Đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh; kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Cầu Rạch Miễu 2; hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án quốc lộ 50B, cầu Đồng Sơn nối tỉnh Tiền Giang và Long An...
Đặc biệt, Nghị quyết số 1013/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thành phố Gò Công đã được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024. Như vậy, Tiền Giang sẽ có 2 thành phố là Mỹ Tho và Gò Công.
Quy hoạch đã xác định rõ động lực mới, quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang thời gian tới. Trong đó, các định hướng, ưu tiên phát triển là: Một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế, ba khâu đột phá phát triển.