Tỉnh sở hữu 'Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc' sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh miền Bắc này sẽ là thành phố trực thuộc trung ương với hệ thống hạ tầng hiện đại, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh.

Tầm nhìn 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 5/3, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng đại diện một số bộ, ngành của trung ương tham dự hội nghị.

Trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc công bố quy hoạch sẽ tạo thêm xung lực để Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững.

Tầm nhìn tới năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW
Tầm nhìn tới năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ trở thành thành phố trực thuộc TW

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Vĩnh Phúc được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi khởi nguồn của nhiều tư duy đổi mới, sáng tạo và tiên phong; là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục hành lang kinh tế quan trọng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa của người Việt. 

Vị trí địa lý và điều kiện lịch sử đặc biệt của Vĩnh Phúc đã tạo cho tỉnh nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong và ngoài nước... Vĩnh Phúc hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển hài hòa và bền vững, đóng vai trò là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh, quy mô 1.236km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố và 7 huyện); phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng Đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống...

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Dòng chảy lịch sử lâu đời với những danh thắng, di tích được UNESCO công nhận

Vĩnh Phúc là tỉnh có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Trải qua thời gian, trong kho tàng di sản văn hóa (DSVH) của tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian… phong phú và độc đáo. Những năm gần đây, các DSVH của tỉnh Vĩnh Phúc đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một do sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô
Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô

Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm 23 - 25 độ C. Bạn nên ghé thăm vào mùa hè hoặc thu để tận hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu. Mùa hoa dã quỳ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 hàng năm.

- Một số điểm đến nổi tiếng:

1. Tam Đảo

Tam Đảo
Tam Đảo

Tam Đảo được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc" ngay gần Hà Nội, với vẻ đẹp hoang sơ của các ngọn núi ẩn hiện trong mây, cùng những kiến trúc Pháp tuyệt đẹp còn sót lại. Đến đây, bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp ở nhà thờ đá, vườn quốc gia Tam Đảo, hoặc lên tháp truyền hình, chiêm bái đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, đền Đức Thánh Trần; chinh phục đỉnh Rùng Rình vào sớm mai để thấy toàn cảnh thị trấn từ trên cao trong làn mây trắng bảng lảng trôi qua trước mặt...

2. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Cách Tam Đảo khoảng 25km, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình, tọa lạc trên sườn núi cao bề thế giữa rừng thông và mây ngàn. Không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc hoành tráng bậc nhất miền bắc Việt Nam, đây còn là một trong 3 thiền viện lớn nhất nước. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, cùng khí vị linh thiêng của chốn tu hành khiến Thiền viện mang vẻ đẹp thanh bình, thoát tục.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước. Viếng chùa, du khách không chỉ dâng hương cầu may, cầu tài mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trùng điệp ở nơi đây. Bên cạnh Thiền viện trúc lâm Tây thiên là Thiền viện trúc lâm An tâm, nơi tu tập của các Ni sư.

3. Hồ Đại Lải

Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải

Hồ Đại Lải thuộc địa phận xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, cách Hà Nội hơn 40km, nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Là hồ nước nhân tạo, Đại Lải như một viên ngọc quý do con người tạo ra. Giữa trập trùng những đồi núi, rừng cây là hồ nước mênh mông xanh biếc, quanh năm soi bóng núi mây trời. Ở đây du khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh, đi du thuyền, tắm hồ, câu cá, leo núi... hoặc thưởng thức các món ăn dân tộc đặc sắc.

4. Hồ Xạ Hương

Hồ Xạ Hương
Hồ Xạ Hương

Theo con đường lên Tam Đảo thêm khoảng 12km là bạn đã tiến sát mép hồ. Hồ Xạ Hương nằm ẩn mình trong thung lũng dưới chân núi Con Trâu, thuộc làng Xạ Hương, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo. Tuy là hồ nhân tạo nhưng lại mang nét hoang sơ, với nhiều ngách lớn xuyên qua các cánh rừng. Hồ được ngành xây dựng thủy lợi xây dựng từ năm 1984 với sức chứa hơn 12 triệu lít nước, rộng hơn 80ha.

Hải Yến

Theo Chất lượng và cuộc sống