Đại gia Vĩnh Phúc và tham vọng cắm khách sạn, biệt thự xuống rừng Tam Đảo
Gần 36ha rừng Tam Đảo có nguy cơ biến thành dự án với hệ thống khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng của Liên danh Sông Hồng Tam Đảo – Sông Hồng Thủ Đô.
Siêu dự án với mục tiêu biến rừng thành khách sạn, biệt thự
Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Diện tích dự kiến thực hiện dự án thuộc địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư.
Điều đáng nói là chính báo cáo ĐTM do ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Hồng Tam Đảo ký đã thể hiện các yếu tố nhạy cảm về môi trường liên quan đến việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73ha.
Theo báo cáo ĐTM của chủ đầu tư trình Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định thì hiện trạng rừng khu vực thực hiện Dự án Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 bao gồm: Rừng phục hồi, đất trống có cây gỗ tái sinh, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa và các loại đất khác. Với tổng diện tích thuê môi trường rừng 35,73ha và thời hạn thuê 30 năm kể từ ngày hai bên bàn giao diện tích cho thuê môi trường rừng. Thông tin ban đầu chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng mới công trình khách sạn có quy mô 225 phòng và các bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo. Cùng với đó là các nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật như san nền thiết kế, cao độ phục vụ công tác quy hoạch giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy, cây xanh, cảnh quan, vệ sinh môi trường...
Cũng trong rừng tự nhiên Tam Đảo, Liên danh Sông Hồng Tam Đảo – Sông Hồng Thủ đô dự kiến Xây dựng Khu Đài Quan sát với diện tích hơn 4,3 nghìn m2; Xây dựng Khu cây xanh, Vườn hoa nghệ thuật hơn 59 nghìn m2, rừng sinh thái tự nhiên hơn 254 nghìn m2… Chuyển rừng thành đất giao thông khoảng hơn 16 nghìn m2 và bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật… Tổng diện tích đất dịch vụ, công cộng của dự án là hơn 5,5 nghìn m2, đất khu biệt thự nghỉ dưỡng và bungalow hơn 15,23 nghìn m2...
Đối với hạng mục xây dựng khách sạn giữa rừng Tam Đảo, chủ đầu tư dự kiến xây dựng khách sạn có 2 tầng hầm, 3 tầng nổi và 1 tầng tum với đầy đủ các dịch vụ như: Khu bể bơi, không gian sảnh, khu dịch vụ, phòng thay đồ, khu massage… Thông tin sơ bộ ban đầu thể hiện, tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.
Như vậy có nghĩa là một “hệ sinh thái” vui chơi, giải trí nghỉ dưỡng với đầy đủ khách sạn, biệt thự sẽ cắm xuống rừng tự nhiên Tam Đảo nếu dự án của Liên danh Sông Hồng Tam Đảo và Sông Hồng Thủ Đô hoàn thiện các thủ tục pháp lý và được cấp phép.
Trong khi đó, theo kết quả kiểm kê, điều tra rừng, vị trí thực hiện Dự án Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo có hiện trạng chính là rừng tự nhiên. Trong đó, hiện trạng đất đai, thảm thực vật thể hiện khu vực thực hiện dự án chủ yếu là rừng tự nhiên với diện tích 34,77ha, bao gồm rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá khoảng 1,81ha, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa khoảng 32,96ha, diện tích chưa thành rừng là khoảng 0,96ha…
Về thảm thực vật, khu vực dự kiến thực hiện dự án có các kiểu thảm thực vật chính gồm kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp. Kiểu rừng này bao phủ phần lớn dãy núi Tam Đảo với những loài cây như: Kháo, Sồi, Dẻ, Trọng đũa, Vải thiều rừng, Phân mã, Lòng mang, Vạng trứng, Gioi... Báo cáo ĐTM của chủ đầu tư thể hiện, kiểu rừng này trước đây khi chưa thành lập Vườn quốc gia Tam Đảo cũng đã bị người dân khai thác với hình thức chặt chọn, làm thành phần loài cây và kết cấu tầng thứ thay đổi.
Bên cạnh đó là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, kiểu rừng hỗn giao gỗ và tre nứa, loại này có diện tích lớn và phân bố ở sườn núi, ven suối hoặc ven khe, hỗn giao giữa các loài cây gỗ là Kháo, Sồi, Re, Mắc niễng, Trâm trắng,...
Các hệ sinh thái chính được ghi nhận trong quá trình điều tra, khảo sát Khu Du lịch sinh thái số 13 cho thấy hệ sinh thái rừng là hệ sinh thái lớn chủ đạo với diện tích lớn, phân bố tập trung nhiều ở sườn phía Tây Nam của núi Rùng Rình. Hệ sinh thái này tạo nên cảnh quan, môi trường chủ yếu và chi phối sự phát triển của các hệ sinh thái khác trong khu vực.
Về động vật rừng, theo chủ đầu tư, qua điều tra thực địa tại khu vực thực hiện dự án, phỏng vấn các cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo, phỏng vấn người dân địa phương và nghiên cứu các tài liệu điều tra, thống kê các loài động vật trong khu vực Dự án, bước đầu có thể đánh giá khu Du lịch sinh thái số 13 có hệ động vật rừng khá nghèo nàn, do từ trước khi thành lập Vườn Quốc gia Tam Đảo thì tình trạng săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng trong khu vực các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Tam Đảo diễn ra khá mạnh?
Trong khu vực Dự án không có các công trình văn hóa, tôn giáo và di tích lịch sử, đền chùa, miếu. Tuy nhiên khoảng cách từ dự án đến Đền Bà Chúa Thượng Ngàn khoảng 1.200m về phía Đông Nam; Chùa Tây Thiên Trúc khoảng 1.640m về phía Đông và Chùa Tây Thiên khoảng 2.680m về phía Tây Bắc…
“Các tác động từ hoạt động của dự án tới môi trường là hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các công trình bảo vệ môi trường tương ứng. Hoạt động của dự án mang lại nhiều lợi ích và đặc biệt hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị mạng và truyền thông tại địa phương và cả nước”, chủ đầu tư kiến nghị.
“Mới chỉ đi đến cổng”
Liên quan đến việc phát triển các dự án du lịch sinh thái, tháng 11/2022 Vườn Quốc gia Tam Đảo có quyết định về việc phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư thực hiện 3 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 4, số 13 và số 17.
Theo đó, trong 3 khu vực nói trên có 2 khu 13 và 17 đủ điều kiện để thông báo các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thương thảo và ký hợp đồng thuê môi trường rừng theo quy định. Cụ thể, khu số 13 là nhà đầu tư Liên danh Sông Hồng Tam Đảo – Sông Hồng Thủ Đô và khu số 17 là các nhà đầu tư Liên danh Vĩnh Tân – HBRE. Đến ngày 27/3/2023 Vườn Quốc gia Tam Đảo với Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ Đô ký hợp đồng về việc cho thuê môi trường rừng để thực hiện Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 13 thuộc Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2021-2030.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo cho biết: Vấn đề là dự án chưa làm gì, rừng vẫn đang do Nhà nước quản lý, thủ tục phải qua rất nhiều luật như Luật Xây dựng, Quốc phòng An ninh… chứ không chỉ riêng Luật Lâm nghiệp. Việc ký thuê môi trường rừng chỉ là điều kiện cần để chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, nếu không tuân thủ các luật khác thì rừng cũng không giao được.
“Nôm na là hợp đồng thuê môi trường rừng là căn cứ để chủ đầu tư trình Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan, bao giờ đủ hết các thủ tục thì Nhà nước mới bàn giao rừng”, Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo khẳng định.
Cũng theo ông Hải, thủ tục thực hiện dự án rất khó và chặt chẽ. Ví dụ Sun Group ký hợp đồng thuê dịch vụ môi trường rừng từ năm 2016 đến nay nhưng rừng Nhà nước vẫn đang giữ, chưa đủ điều kiện giao cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy việc hoàn thiện các thủ tục liên quan đến rất nhiều bộ luật và kiểm tra, thẩm định của nhiều cơ quan. “Cho nên các nhà đầu tư mới này “mới đi đến cổng” thôi, còn lâu và phức tạp lắm”, Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo cho biết.