Tỉnh sở hữu ‘hòn ngọc viễn Đông’ của Việt Nam dự chi hơn 4.000 tỷ làm 3 dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Thay vì vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh dự định sẽ sử dụng ngân sách địa phương.

Trao đổi với phóng viên vào ngày 19/9, ông Nguyễn Thanh Hiến – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết Ban đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh về phương án tiếp tục triển khai các hạng mục thuộc dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP).

Tỉnh Khánh Hoà sẽ có đường Vành đai 3 gần 2.000 tỷ đồng. Nguồn: Kinhtevadothi
Tỉnh Khánh Hoà sẽ có đường Vành đai 3 gần 2.000 tỷ đồng. Nguồn: Kinhtevadothi

Theo ông Hiến, Ban QLDA đã kiến nghị tách các hạng mục của dự án IRDP thành 3 dự án độc lập, được đầu tư và thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời, Ban đề xuất sử dụng 4.200 tỷ, toàn bộ lấy từ ngân sách tỉnh để triển khai tiếp các hạng mục dự án.

Cụ thể, dự án đầu tiên là xây dựng đường Vành đai 3, có chiều dài khoảng 6km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024-2027.

Mục tiêu của tuyến Vành đai 3 là kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Đại lộ Nguyễn Tất Thành, tạo luồng giao thông phía Tây và Tây Nam vào sân bay Cam Ranh, hoặc lên cao tốc Bắc - Nam mà không cần đi qua trung tâm TP. Nha Trang. 

Dự án này sẽ giúp giảm tải cho các tuyến đường số 4, Lê Hồng Phong và Vành đai 2. Dự án cũng sẽ phát triển quỹ đất khu vực phía Nam đường Võ Nguyên Giáp và hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế và xã hội. 

Dự án thứ hai là xây dựng hệ thống kè sông và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu vực phía Tây TP. Nha Trang.

Quy mô dự án bao gồm xây dựng kè và nạo vét gần 11km các tuyến sông, cùng với hệ thống thu gom và xử lý nước thải dài 12,8km với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024-2028.

Mục đích của dự án là tăng cường khả năng tiêu thoát nước, giảm tình trạng ngập úng do mưa lũ tại khu vực này và huyện Diên Khánh, đồng thời cải thiện không gian đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Dự án cuối cùng là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại trung tâm TP. Cam Ranh, với mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm trước khi nước thải xả ra sông và biển. 

Dự án sẽ xây dựng mạng lưới ống thu gom dài gần 16,9km và các trạm bơm nước thải cùng với nhà máy xử lý nước thải. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024-2028.

Ông Nguyễn Thanh Hiến cho biết, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương dừng sử dụng vốn vay của WB cho dự án IRDP, theo kiến nghị từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để thay thế vốn vay của WB và tiến hành thủ tục lập, phê duyệt các dự án mới theo quy định.

Ban QLDA cũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập phương án vốn cho giai đoạn trung hạn 2021-2025 và 2026-2030 để làm cơ sở triển khai. Đồng thời, Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét đưa các dự án này vào danh mục trọng điểm để huy động nguồn lực thực hiện nhanh chóng và đồng bộ.

TP. Nha Trang là một trong hai thành phố trực thuộc của tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây được mệnh danh là "hòn ngọc viễn Đông", "hòn ngọc của biển Đông" hay "viên ngọc xanh". Bờ biển Nha Trang với bãi cát trắng trải dài, uốn cong tạo nên một dáng vóc thành phố ôm lấy biển xanh. Thành phố này hội tụ khá đầy đủ các yếu tố núi non, sông biển, đầm phá, hải đảo, đồng ruộng, xóm làng… tạo nên một giá trị phong phú và đặc sắc.

Nguyên Bùi

Theo Chất lượng và cuộc sống