Toàn cảnh khu vực xây cầu nghìn tỷ, nối hai bờ 'vịnh Sydney' tương lai của Việt Nam

Việc xây dựng những cây cầu này nằm trong quy hoạch chung của tỉnh, biến Cửa Lục thành 'vịnh Sydney' tương lai của Việt Nam.

Theo Quy hoạch chung đến năm 2040, Quảng Ninh sẽ tiến hành thực hiện quy hoạch cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên cùng cảnh quan tại hai vịnh nổi tiếng là Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới và Cửa Lục theo đề án phát triển ngành du lịch của tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặc biệt là biến Cửa Lục trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long". 

"Vịnh Sydney bên bờ  Hạ Long". Ảnh: Internet
"Vịnh Sydney bên bờ  Hạ Long". Ảnh: Internet

Tại vịnh này, Quảng Ninh đã xây 2 cây cầu lớn Cửa Lục 1 (còn gọi là cầu Tình Yêu), cầu Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh). Hai cây cầu này đã được đưa vào sử dụng năm 2022, 2023. Còn cầu Cửa Lục 2 vẫn đang lên kế hoạch tiến hành xây dựng.

Cầu Cửa Lục 2 dự kiến có chiều dài 3,5km (bao gồm cả đường dẫn), kết nối QL279 và QL18 ở thành phố Hạ Long. Cầu sẽ thuộc địa bàn xã Lê Lợi và phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Đồng thời, nằm ở trung tâm 3 cây cầu lớn là cầu Bãi Cháy (2.140 tỷ đồng), Cửa Lục 1 (2.100 tỷ đồng) và Cửa Lục 3 (1.700 tỷ đồng).

Toàn cảnh khu vực xây cầu nghìn tỷ, nối hai bờ 'vịnh Sydney' tương lai của Việt Nam - Ảnh 1

Cầu Cửa lục 2 theo quy hoạch sẽ đấu nối vào Quốc lộ 18, chạy song song với băng tải của nhà máy xi măng Thăng Long. Phía phường Bãi Cháy, cầu Cửa lục 2 theo quy hoạch sẽ đấu nối vào Quốc lộ 18 đoạn đối diện dự án The Dragon Castle. Bên phía xã Lê Lợi, cầu đấu nối vào nút giao QL279 và đường nối QL279 với Đường 342 hiện đang xây dựng.

Vịnh Cửa Lục rộng 18km2, sâu nhất 17m, là nơi hội tụ của 6 cửa sông từ huyện Hoành Bồ cũ đổ ra. Vịnh Cửa Lục nằm giáp với vịnh Hạ Long, cửa thông ra vịnh Hạ Long rộng khoảng 1km. Trước đây, khi chưa có cầu Bãi Cháy, việc đi lại qua hai bờ eo biển vịnh Cửa Lục phải phụ thuộc vào phà Bãi Cháy. 

Cầu Cửa Lục chạy song song với băng tải của nhà máy xi măng Thăng Long. Ảnh: Internet
Cầu Cửa Lục chạy song song với băng tải của nhà máy xi măng Thăng Long. Ảnh: Internet

Từ khi chính quyền địa phương tập trung xây dựng cây cầu, việc đi lại với người dân địa phương thuận tiện hơn cả, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, phù hợp với mục tiêu phát triển mở rộng về phía Bắc của thành phố Hạ Long.

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra định hướng rõ ràng, “đánh thức” tiềm năng và phát triển vịnh Cửa Lục. Do đó tỉnh có chủ trương di dời tất cả những nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm (trong đó có các nhà máy xi măng lớn) ra khỏi khu vực ven bờ vịnh Cửa Lục trước năm 2030. Đồng thời, tỉnh này sẽ bảo vệ tuyệt đối những khu rừng ngập mặn còn lại xung quanh vịnh Cửa Lục.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và cuộc sống