TP.HCM: Kiểm tra hoạt động các đơn vị quản lý, vận hành chung cư
Tại TP.HCM, tranh chấp chung cư diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều mức độ khác nhau, xoay quanh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân. Trước vấn đề này, UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận về hướng dẫn công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, phối hợp Công an TP.HCM, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai ngay hướng dẫn về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư đến từng xã, thị trấn và ban quản trị nhà chung cư trên địa bàn.
Ngoài ra, sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an TP.HCM, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động hành nghề của các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư.
Bên cạnh đó, các đơn vị trên phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính lập dự toán và đề xuất bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước hoặc đan xen Nhà nước và sở hữu tư nhân; sửa chữa, lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cũ.
TP.HCM kiểm tra hoạt động của các đơn vị quản lý, vận hành chung cư.
Liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, trước đó, sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố này trình Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định thêm các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, cư dân trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tại TP.HCM, tranh chấp chung cư thời gian qua diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều mức độ khác nhau, xoay quanh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân. Bên cạnh các vụ việc kéo dài còn xuất hiện tranh chấp tại một số chung cư vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thực tế này đòi hỏi cần có sự vào cuộc và hợp tác kịp thời của cơ quan chức năng, chủ đầu tư, thậm chí kể cả cư dân.
Cụ thể, tại cao ốc Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) xảy ra chuyện “xưa nay hiếm” khi cư dân mua căn hộ mã số 2.1, 2.5, 2.6 tầng 2, khu D, được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, nhưng Ban Quản trị, Ban Quản lý chung cư cản trở không cho người dân sử dụng vì cho rằng, trong thiết kế xây dựng toà nhà không phê duyệt các căn hộ được cấp chủ quyền đó.
Năm 2017, Ban Quản trị cao ốc Phú Hoàng Anh gửi bố cáo đến toàn thể cư dân với nghi vấn lô D là sở hữu chung của cư dân, việc chủ đầu tư xây dựng 6 căn hộ tại tầng 2, lô D đưa vào kinh doanh là bất hợp pháp. Ban Quản trị cao ốc Phú Hoàng Anh đã phối hợp với Ban quản lý và đội bảo vệ tạm thời không cho người dân tiếp cận tầng 2, lô D. Điều này dẫn tới việc các hộ dân tại tầng 2, khu D không vào nhà được do Ban quản trị đã cắt hệ thống điện, nước, công tắc hệ thống thang máy và khoá lối đi thang bộ.
Cư dân mua nhà tại Cao ốc Phú Hoàng Anh bị Ban quản trị cản trở không cho vào nhà.
Theo UBND huyện Nhè Bè, việc Ban Quản trị Cao ốc Phú Hoàng Anh cản trở người dân vào sử dụng là không đúng theo thẩm quyền quy định. Trong công văn trả lời đơn của cư dân, Sở Xây dựng TP.HCM cũng khẳng định, việc Ban Quản trị cao ốc Phú Hoàng Anh cản trở chủ sở hữu sử dụng 3 căn hộ nêu trên là không phù hợp với quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư.
Tương tự, được mệnh danh có đẳng cấp sống “5 sao”, Saigon Pearl (toạ lạc tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh) nhiều năm qua vẫn “âm ỉ” mâu thuẫn giữa Ban Quản trị với chủ đầu tư trong việc xác lập sở hữu tầng hầm đậu xe, thu phí đậu xe, xử lý nước thải…
Vừa qua Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT TP.HCM đã kiểm tra theo nội dung phản ánh của cư dân và đã xác nhận, chủ dự án chưa thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định, chưa giải trình đầy đủ việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, các tranh chấp, khiếu nại trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chủ yếu về quyền sở hữu chung, riêng, bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, quản lý vận hành chung cư, hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư xây dựng không phép, xây dựng sai phép.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư, Ban quản trị tự ý chuyển đổi công năng phần diện tích sở hữu chung, vấn đề nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, vi phạm về phòng cháy chữa cháy… điều này đã dẫn đến các vụ tranh chấp chung cư diễn ra dai dẳng, khó giải quyết triệt để.