TP.HCM: Sẽ kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công hằng tháng
Cuối năm, dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công, UBND Thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân và kể cả chủ tịch UBND TP.HCM.
Ngày 24/8, Thường trực HĐND TP.HCM đã họp phiên giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn Thành phố.
Tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với UBND Thành phố và chủ tịch UBND Thành phố liên quan đến các tồn tại, hạn chế về đầu tư công.
Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian qua, công tác lập, thẩm định, triển khai, đánh giá các dự án chậm, trách nhiệm trước hết là của UBND Thành phố và chủ tịch UBND Thành phố. Ngoài ra Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết còn có tình trạng đùn đẩy, phối hợp chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao giữa các sở, ngành
Chủ tịch UBND TP.HCM nêu các giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách để tăng đầu tư phát triển như thu hút đầu tư theo phương thức công tư (PPP), huy động nguồn lực xã hội… Từ đó, tiếp cận ở góc độ kinh tế đối với các dự án bằng các công cụ; khai thác, phát huy quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách Thành phố để đầu tư cho công trình trọng điểm, cần thiết trong giai đoạn 2021- 2025.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công, người đứng đầu UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đầu tư công thời gian tới.
Theo đó, TP.HCM xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn. Tăng cường, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo các đơn vị hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng để đánh giá kết quả, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn.
Thành phố cũng sẽ linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh. Thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.
Đồng thời chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hằng năm. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.