Tp.HCM: Thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 30%

Sở Tài chính Tp.HCM cho biết, tiền sử dụng đất năm 2024 chỉ đạt 10.000 tỷ đồng trên 33.000 tỷ đồng chỉ tiêu được giao do thay đổi về quy định của pháp luật đất đai.

Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Sở Tài chính Tp.HCM, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553,09 tỷ đồng, đạt 105,32% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa là 356.840 tỷ đồng, đạt 106,85% dự toán, tăng 17,64% so cùng kỳ; thu từ dầu thô: 21.785 tỷ đồng, đạt 121,70% dự toán, bằng 89,92% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 130.891,96 tỷ đồng, đạt 100,07% so với chỉ tiêu pháp lệnh (130.800 tỷ) vượt 0,07% (số tuyệt đối vượt 91,96 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tiền sử dụng đất năm 2024 chỉ đạt 10.288 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán (33.000 tỷ đồng). Lý giải về việc này, ông Hải cho hay, dù khoản thu tiền sử dụng đất năm 2024 đạt thấp so với kế hoạch do thay đổi về quy định của pháp luật đất đai, nhưng số “hụt thu” gần 23.000 tỷ đồng này đã được bù lại bằng khoảng 15.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước và các khoản tăng thu ở khu vực kinh tế.

Thu tiền sử dụng đất năm 2024 của Tp.HCM không đạt chỉ tiêu đề ra. (Ảnh minh họa)
Thu tiền sử dụng đất năm 2024 của Tp.HCM không đạt chỉ tiêu đề ra. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, có 14.500 tỷ đồng của dự án Lotte Eco Smart City được chuyển từ năm 2024 sang năm 2025, đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách năm 2025. Sở Tài chính cũng tích cực tháo gỡ để giải quyết việc bổ sung vốn cho 10 chính sách bồi thường tại Thủ Thiêm, thay vì phải chờ đến kỳ họp HĐND Tp.HCM tháng 3/2025.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, tính trung bình mỗi ngày làm việc, Tp.HCM phải thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình lãnh đạo điều hành, sự sẻ chia đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân Tp.HCM để vực dậy sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, như việc thu tiền sử dụng đất chưa đạt chỉ tiêu. Bên cạnh đó là công tác quản lý nhà đất công trên địa bàn. Nhờ công tác rà soát thống kê, đến nay TP.HCM nắm chắc con số hơn 12.000 địa chỉ nhà đất công, song việc khai thác cho hiệu quả thì vẫn phải tiếp tục cố gắng.

Năm 2025 với chỉ tiêu thu ngân sách trung ương giao là 506.000 tỷ đồng, chiếm 25,76% tổng dự toán thu cả nước, nghị quyết HĐND Tp.HCM giao thu hơn 520.000 tỷ đồng, là thách thức rất lớn.

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Dũng giao ngành tài chính tập trung cho tinh gọn sắp xếp bộ máy. Theo kế hoạch, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp sẽ “về chung một nhà”, cần hoàn thành trong quý 1 để ổn định tiếp tục triển khai công việc. Đồng chí cũng giao ngành tài chính tiếp tục quản lý tốt các nguồn thu, đôn đốc thu nộp ngân sách trên địa bàn.

Ông Dũng đề nghị Sở Tài chính tiếp tục chủ trì và phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tham mưu UBND trình HĐND TP các chính sách triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc Hội và Nghị định số 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM; đẩy nhanh tiến độ tham mưu các Luật, nghị định mới trên lĩnh vực tài chính ngân sách; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác quy định chi tiết thực hiện trên địa bàn TPHCM.

Sở Tài chính quản lý, khai thác tốt nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, nguồn thu từ phí và lệ phí, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền để để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, sở cần triển khai kịp thời các chính sách giảm, giãn thuế, rút ngắn thời gian hoàn thuế nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tập trung nguồn lực khôi phục sản xuất; tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát.

Tập trung đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm nhằm giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững, phát triển kinh tế xã hội…

Hải Đăng

Theo Tài chính doanh nghiệp