Trước khi lên sàn HOSE, Gỗ An Cường làm ăn thế nào?
(CL&CS) - Là nhà sản xuất và phân phối hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực gỗ công nghiệp, Gỗ An Cường ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm trong các năm trở lại đây. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty CP Gỗ An Cường (UPCoM: ACG).
Gỗ An Cường được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE
HoSE cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 135,8 triệu cổ phiếu của Gỗ An Cường. Ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 31/5. Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, Gỗ An Cường đã đưa 87,6 triệu cổ phiếu lên UPCoM với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp.
Đầu năm 2021, doanh nghiệp tiến hành chào bán 4,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động cũng như thỏa điều kiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE.
ACG vừa hoàn thành chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tổng số lượng 43,8 triệu cổ phiếu và chào bán thành công 4,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của Công ty theo đó nâng lên mức 1.358 tỷ đồng.
Sau khi xem xét hồ sơ, ngày 25/8, HOSE đã chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Gỗ An Cường với số lượng cổ phiếu niêm yết là 135.846.122 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, mã chứng khoán ACG.
Đến ngày 19/9/2022, Gỗ An Cường ra quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Gỗ An Cường trên sàn UPCOM. Số lượng cổ phiếu hủy đăng ký giao dịch là 135.846.122 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp. Ngày hủy đăng ký giao dịch là 28/9/2022, ngày giao dịch cuối cùng tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là 27/9/2022.
Gỗ An Cường làm ăn ra sao trước khi lên sàn chứng khoán?
Gỗ An Cường ra đời vào năm 1994 với xuất phát điểm là đơn vị chuyên phân phối về nội thất. Chỉ sau 28 năm, công ty này đã phát triển trở thành một trong số những nhà sản xuất lớn nhất cả nước về vật liệu, giải pháp cùng với nội thất từ gỗ công nghiệp.
Đơn vị này đang chi phối tại thị trường nội địa với hơn 55% thị phần các thương hiệu ván MFC và hơn 70% thị phần các thương hiệu ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm. Song song đó, Gỗ An Cường còn được biết đến với việc sở hữu thương hiệu thiết bị bếp cao cấp Malloca (từ 2004) và hàng nội thất rời Aconcept (từ 2017), đồng thời là nhà cung cấp vật liệu bề mặt cho hơn 100 dự án tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Doanh nghiệp đang sở hữu 27 showroom trên toàn quốc và hai cụm nhà máy, hệ thống kho bãi với tổng diện tích hơn 240.000 m2 tại Bình Dương.
Bên cạnh lĩnh vực truyền thống, trong những năm gần đây, công ty này đã tích cực đẩy mạnh phát triển mảng địa ốc khi mua cổ phần tại loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Cụ thể, tháng 4/2021, Gỗ An Cường đã chi 119,2 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Chủ tịch Gỗ An Cường, ông Lê Đức Nghĩa cũng được bầu vào HĐQT Thắng Lợi Group. Khoản mục này cuối quý II vẫn là 119,2 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2022, Gỗ An Cường tiếp tục chi thêm 393 tỷ đồng để mua 30% Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Central Hill hiện là chủ đầu tư dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill tại tỉnh Long An. Với việc tham gia góp vốn vào Central Hill, Gỗ An Cường cũng sẽ cung cấp các sản phẩm gỗ ép của mình cho dự án này.
Giai đoạn 2022 đến 2025, Central Hill sẽ tung ra thị trường hơn 9.000 căn hộ tại khu vực huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các căn hộ có diện tích (từ 40-60m2), với giá bán dự kiến khoảng 1 tỷ đồng/căn cùng với chính sách bán hàng, hỗ trợ tài chính linh hoạt cho người mua nhà lên đến 60-70% giá trị căn hộ.
Bên cạnh đó, Central Hill cũng đã đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng hơn 20ha đất sạch tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và hơn 7ha đất sạch tại Tiền Giang. Central Hill sẽ hoàn thiện về pháp lý và thiết kế của các dự án này để tiếp tục cung cấp ra thị trường hơn 20.000 căn hộ vừa túi tiền trong giai đoạn 2023 đến 2026.
Ngoài khoản đầu tư 512,8 tỷ đồng vào các doanh nghiệp bất động sản kể trên, ACG còn có khoản đặt cọc 285 tỷ đồng để có quyền chọn mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết. Trong trường hợp không thực hiện quyền chọn mua, ACG sẽ được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đặt cọc, kèm theo số tiền lãi được tính theo lãi suất 13%/năm.
Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Gỗ An Cường là 1.914 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã ghi nhận tăng 12%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng đã tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 279 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu là 4.242 tỷ đồng, tăng 29% so với thực hiện năm trước và 550 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành gỗ này đã hoàn thành được 45,2% kế hoạch doanh thu cùng với 50% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra trước đó.
Tình hình tài chính của Gỗ An Cường như thế nào?
Tính tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Gỗ An Cường là 5.143 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã ghi nhận mức tăng 3,2%, trong đó có đến 1.846 tỷ đồng dành cho những khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cùng với dài hạn.
Ngoài ra, 156 tỷ đồng khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hàng năm là 13,6% của Gỗ An Cường đã đáo hạn, khiến cho khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ còn 1.333 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 12,7%. Tại thời điểm cuối tháng 6, hàng tồn kho của Gỗ An Cường đạt 1.527 tỷ đồng, tăng 6,5%. Trong khi đó, nợ vay tài chính đã tăng 30% ở mức 737,5 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn các ngân hàng.
Xét về cơ cấu cổ đông, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, Gỗ An Cường đã ghi nhận 10 lần tăng vốn điều lệ, từ mức 120 tỷ đồng ban đầu lên hơn 1.358 tỷ đồng như thời điểm hiện tại. Trong đó, lần tăng vốn điều lệ mạnh nhất là giai đoạn 2015-2016 cùng với sự xuất hiện của các cổ đông chiến lược cả trong và ngoài nước. Đáng chú ý, khoản đầu tư lớn nhất là 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital và DEG (Đức); 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản).
Tháng 4 năm nay, công ty này đã phát hành tổng cộng 48,2 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên mức 1.358 tỷ đồng. Trong số các cổ đông của Gỗ An Cường, những cổ đông lớn bao gồm: Whitlam Holding Pte. Ltd. (chiếm 18,07% cổ phần); Sumitomo Forestry Ltd (chiếm 19,61%cổ phần ) và Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam (hơn 50,05% cổ phần). Được biết, NC Việt Nam hiện là công ty thuộc sở hữu của ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Gỗ An Cường.