Trước thềm ĐHCĐ: Ngành bảo hiểm 'nóng' chuyện bán vốn

Câu chuyện chuyển nhượng vốn, thoái vốn ở một số doanh nghiệp bảo hiểm và sự xuất hiện của nhà đầu tư ngoại đã hâm nóng tin tức trước thềm đại hội cổ đông.

Trước thềm ĐHCĐ: Ngành bảo hiểm 'nóng' chuyện bán vốn - Ảnh 1

Kỳ vọng vào câu chuyện bán vốn

Trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2023, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) đã tiến hành phiên họp cổ đông bất thường và thông qua việc DB Insurance Co. Ltd được nhận chuyển nhượng cổ phiếu AIC từ 20 cổ đông của AIC. Số lượng cổ phiếu trong thương vụ chuyển nhượng này là gần 75,18 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 75,18% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của AIC. Nếu việc chuyển nhượng thành công, DB Insurance sẽ trở thành công ty mẹ của AIC, nắm quyền chi phối doanh nghiệp này.

Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCoM, từ quý I/2023 cho đến khi hoàn tất giao dịch. AIC hiện chưa công bố thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023, tuy nhiên, chiếu theo quy định về thời gian tổ chức phiên họp thường niên (không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính), DB Insurance rất có thể sẽ hoàn thành việc chuyển nhượng trước khi AIC tiến hành tổ chức ĐHCĐ năm 2023.

Được biết, DB Insurance hiện đang là cổ đông lớn nhất của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) với tỷ lệ sở hữu là 37,32%, tương đương nắm giữ 30 triệu cổ phiếu PTI. Bản thân PTI vào cuối năm 2021 đầu năm 2022 cũng đã nói lời chào tạm biệt với cổ đông lớn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sau khi doanh nghiệp này thoái hết toàn bộ hơn 18,2 triệu cổ phiếu PTI. Thay thế cho VNPost, Công ty Chứng khoán VNDirect xuất hiện tại PTI với tư cách cổ đông nắm giữ hơn 13,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 16,44%. Như vậy, có thể thấy, làn sóng M&A đã bắt đầu khởi động từ đầu năm 2022.

Sóng lên, các nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào những thương vụ khác khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn triển vọng thoái vốn nhà nước. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) mới đây đã công bố phương án và chốt giá bán khởi điểm 120 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB) sau nhiều năm trì hoãn. Việc này làm dấy lên kỳ vọng về một thương vụ tương tự đối với Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, HoSE: PGI), cũng nằm trong hệ sinh thái của PLX. Được biết, HĐQT của PLX đã phê duyệt phương án thoái vốn tại PGI từ 40,95% xuống còn 35,1% từ năm 2019, tuy nhiên vẫn đang chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên chưa hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu.

Các doanh nghiệp có triển vọng thoái vốn nhà nước khác có thể kể đến như Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH). Đối với BMI và BVH, Bộ Tài chính vào tháng 10/2021 đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này, tuy nhiên các kế hoạch thoái vốn đều chưa được thực hiện.

Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thoái vốn tại PVI đã được giới đầu tư quan tâm từ nhiều năm trước nhưng liên tục tạm ngưng để chờ các cấp quản lý phê duyệt. Theo tiết lộ của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong thời gian tới, PVN có khả năng sẽ thoái vốn khỏi những ngành nghề không cần sự tham gia của nhà nước để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong đó PVI.

Lợi nhuận khó bứt phá

Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tiết lộ về tài liệu ĐHCĐ cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2023. Hai doanh nghiệp hiếm hoi công bố về kế hoạch tăng trưởng năm 2023 là PGI và BMI. Trong đó, PGI dự kiến tổng doanh thu bảo hiểm gốc năm 2023 tăng 10% so với mức thực hiện năm 2022, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 250 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2022. Về phía BMI, doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 tối thiểu là 6% đối với doanh thu và 10% đối với lợi nhuận trước thuế.

Như vậy, 2 doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên đã tiết lộ kế hoạch tăng trưởng không mấy “bứt phá” trong năm 2023, hay có phần khiêm tốn. Trong báo cáo phân tích PVI, BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PVI trong năm 2023 sẽ lần lượt tăng trưởng 9,9% và 8% so với mức thực hiện năm 2022. Đây cũng không phải một mức tăng trưởng quá mạnh mẽ khi chưa chạm tới 2 chữ số.

Trước thềm ĐHCĐ: Ngành bảo hiểm 'nóng' chuyện bán vốn - Ảnh 2

Nhiều tổ chức nghiên cứu đã dự báo về mức tăng trưởng ảm đạm của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2023, lĩnh vực kinh doanh chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán. Công ty Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10 - 12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.

Lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 được dự báo có thể không khả quan so với năm 2022. SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kỳ vọng sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023. Lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý II và quý III/2022, SSI cho rằng có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý II và quý III/2023.

Hải Đường

VietnamFinance