TS Cấn Văn Lực: ‘Tăng trưởng không đạt kế hoạch nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực’
TS Cấn Văn Lực cho rằng mức tăng trưởng GDP 5,05% của năm 2023 dù thấp so với kế hoạch, không phải cao nhất châu Á - Thái Bình Dương nhưng vẫn ở mức khá cao trong khu vực.
Kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm hơn ít nhất từ 0,2 điểm% đến 0,5 điểm % so với năm ngoái.
WB ước tính kinh tế thế giới 2024 tăng trưởng khoảng 2,4%, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Riêng khu vực EU được dự báo phục hồi tốt hơn so với năm ngoái.
Về lạm phát toàn cầu, ông Lực cho rằng đỉnh lạm phát cao đã qua từ quý III/2022. Cuối năm 2023, lạm phát trở về mức 5%, dự báo tiếp tục giảm vào năm 2024 nhưng với tốc độ chậm hơn 2023 (khoảng 4%). Đến năm 2025, lạm phát được dự báo trở về mức 3%.
Ông Lực cho rằng lạm phát thế giới còn khá lâu nữa mới giảm về mục tiêu 2%, có thể đến năm 2025 -2026. Tuy nhiên thế giới dường như đang thay đổi quan điểm về lạm phát, không nhất thiết phải giảm về 2%, mà có thể chấp nhận mức cao hơn.
Điều đáng lo ngại, theo ông Lực, là các rủi ro vẫn hiện hữu, gồm: địa chính trị vô cùng phức tạp; rủi ro về tài chính tiền tệ, nợ công nợ tư thế giới đều cao và vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
"Lãi suất, lạm phát, giá cả đã và đang giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ngoài ra, kinh tế Mỹ tiếp tục được dự báo tăng trưởng chậm lại do vẫn ngấm đòn lãi suất cao", ông nói thêm.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức khá cao so với các nước trong khu vực
Quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam, ông Lực cho rằng mức tăng trưởng GDP đạt 5,05% trong năm 2023 dù thấp so với kế hoạch, không phải cao nhất châu Á - Thái Bình Dương nhưng vẫn ở mức khá cao trong khu vực.
"Tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 kém Ấn Độ (hơn 6%), Philippines (5,9%) nhưng tương đương Trung Quốc", ông Lực thông tin.
Năm 2024, các tổ chức đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt lên, như WB dự báo 5,5%. Ông Lực cùng nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV dự báo cao hơn 0,5 điểm % so với dự báo của tổ chức quốc tế.
Về lạm phát, ông Lực cho rằng đây không phải vấn đề đáng lo trong năm 2024. Theo ông, nếu muốn kìm lạm phát, Chính phủ cần tập trung kiểm soát hai mặt hàng lương thực thực phẩm và vật liệu xây dựng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý đến nhóm hàng giao thông.
Đề xuất giải pháp cho năm 2024, ông Lực cho rằng cần kích cầu đầu tư tư nhân và khu vực tiêu dùng.
"Đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% trong năm 2023, là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID (3%). Tăng trưởng đầu tư tư nhân phải đạt 6% - 7%, còn dưới 3% là mức rất thấp. Để kích cầu cần lấy lại niềm tin thông qua việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh", ông nói.
Ngoài ra, ông Lực nhấn mạnh việcc khai thác các động lực tăng trưởng mới cũng sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 như chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; cải thiện năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp; đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế; tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Vị chuyên gia của BIDV cũng đề cập đến việc đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội như một động lực tăng trưởng.
"Năm 2023 do tăng trưởng GRDP thấp nên Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng đóng góp 32% GDP cả nước trong khi thông thường ba đầu tàu này đóng góp 36% - 37% GDP. Những địa phương này phải tăng trưởng gấp 1,3 -1,5 lần bình quân cả nước, nếu chưa đạt cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề", ông nói thêm.