Tuân thủ pháp luật trong kinh doanh: Góc nhìn từ Nhà máy gỗ dăm hoạt động không phép ở Quảng Trị
Kinh doanh trên tinh thần thượng tôn pháp luật là điều mà các doanh nghiệp luôn hướng tới cũng như phải đặt lên hàng đầu từ sơ khởi và xuyên suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do nhận thức hoặc còn có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, đã dẫn tới việc nhiều đơn vị kinh doanh, sản xuất mà chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy không hề nhỏ về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như công tác giám sát, quản lý trên địa bàn của chính quyền địa phương.
Thực tiễn cho thấy, pháp luật về đăng ký kinh doanh quy định về xử phạt vi phạm đăng ký kinh doanh bước đầu mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Do đó, để chủ thể kinh doanh có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, ngay từ khi có ý tưởng thành lập doanh nghiệp đã phải có ý thức tuân thủ pháp luật kinh doanh cái gì theo đúng pháp luật và chỉ được kinh doanh những gì mà pháp luật cho phép.
Khi đến khâu chuẩn bị hồ sơ phải chịu trách nhiệm, toàn bộ thông tin ghi trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải gắn trách nhiệm của mình trong đó. Khi có thông tin cần thay đổi, bổ sung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp phải báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền.
Nhằm tăng cướng công tác quản lý trong việc đăng ký kinh doanh, ở Việt Nam hiện nay thực hiện theo chủ trương tăng cường công tác “hậu kiểm”. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chủ trương này nhiều địa phương cũng chưa thực sự làm tốt vẫn còn để tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác đăng ký kinh doanh diễn ra hàng năm.
Do đó, để thực sự đảm bảo được quyền tự do kinh doanh của công dân, đồng thời thực hiện được công tác quản lý nhà nước trong việc đăng ký kinh doanh đòi hỏi nhà nước cần phải có những chế tài siết mạnh tính chịu trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh.
Bởi lẽ, việc kinh doanh ngoài việc thỏa mãn nhu cầu, ý chí của các chủ thể kinh doanh thì cũng cần phải yêu cầu các chủ thể thực thi tốt vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Mà một trong những nguyên tắc của đạo đức kinh doanh đó là tính trung thực, tôn trọng con người. Cho nên, một chủ thể kinh doanh khi thực hiện hành vi kinh doanh cố tình lừa dối, không trung thực trong việc chấp hành pháp luật thì cần phải loại bỏ không thể để những chủ thể như thế gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn xuất hiện nhiều đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ các bước hoàn thiện pháp lý nhưng vẫn kinh doanh, sản xuất trong nhiều năm mà chưa bị xử lý. Trong quá trình tìm hiểu thông tin để hoàn thiện tuyến chuyên đề về việc tuân thủ pháp luật kinh doanh, tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã nhận được nhiều ý kiến về các trường hợp như vậy. Một trong số đó là tại huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị.
Để có thông tin khách quan, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh doanh và phát triển đã gi nhận thực tế tại địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu về thực trạng tuân thủ pháp luật kinh doanh tại đây.
Phóng viên ghi nhận, trên địa bàn huyện Đakrông có 02 cơ sở chế biến dăm gỗ đó là Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng và Công ty TNHH MTV Phượng Hoàng, với công suất 2.400 – 2.600 tấn/tháng. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là rừng trồng sản xuất (tràm, keo các loại) được thu mua từ người dân.
Được biết, công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng là đơn vị nhận chuyển nhượng nhà máy sản xuất gỗ và chế biến lâm sản tại thôn Hà Bạc, xã Hường Hiệp, huyện Đakrông từ Công ty cổ phần xây dựng số 6 theo hợp đồng chuyển nhượng tháng 2/2020.
Hiện tại Công ty này không có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mà chỉ hoạt động trên cơ sở Công văn số 2470/UBND-CN ngày 09/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư nhà máy gỗ và chế biến lâm sản. Tuy nhiên phía công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng đã dùng vỏ bọc chế biến lâm sản biến tướng qua nhà máy sản xuất dăm gỗ. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Qua tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Đakrông gửi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan ngày 25/1/2022 về tình hình hoạt động các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng hiện tại đang hoạt động sản xuất dăm gỗ trên diện tích đất 4.500m3 mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ (Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Đkrông cấp 27/10/2015 cho ông Nguyễn Tuấn Hoàng và bà Nguyễn Thị Loan) thời hạn sử dụng đến tháng 10/2065. Như vậy, việc Công ty này thực hiện xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ trên đất thương mại dịch vụ là trái với quy định của pháp luật.
Mặt khác, Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng xây dựng và hoạt động sản xuất dăm gỗ từ năm 2016 đến nay, về phía hồ sơ pháp lý môi trường phía Công ty này chỉ có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 40/GXN-UBND do UBND huyện Đakrông xác nhận ngày 03/12/1015 cấp cho Công ty cổ phần xây dựng số 6. Thời điểm năm 2015 đối với dự án này phải áp dụng Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về việc quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Theo quy định tại phụ lục II của Nghị định này đã quy định cụ thể như sau: Dự án xây dựng cơ sở chế biến gỗ, dăm gỗ từ gỗ tự nhiên với công suất từ 3.000 m3 sản phẩm/năm trở lên; Dự án xây dựng cơ sở sản xuất ván ép với công suất từ 100.000 m2/năm trở lên; Dự án xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ có tổng diện tích kho, bãi, nhà xưởng từ 10.000 m2 trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được duyệt bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định. Chiếu theo quy định Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng không có hồ sơ ĐTM là trái với các quy định của pháp luật.
Trao đổi vụ việc, ông Nguyễn Bá Hiển (trưởng phòng KTHT huyện Đăkrông) cho biết, công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng đóng tại Km32 xã Hường Hiệp,huyện Đakrông hiện công ty này chưa có giấy phép đấu nối vào quốc lộ 9. Tuy nhiên việc đấu nối vào quốc lộ là do Cục quản lý đường bộ II cấp phép và quản lý, còn phía cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chỉ giám sát và theo dõi, phối hợp.
Liên quan đến vấn đề, ông Lê Đại Lợi (phó chủ tịch huyện huyện Đakrông) cho hay, phía huyện cũng đã nhận được một số ý kiến phản ánh liên quan đến các cơ sở sản xuất dăm gỗ trên địa bàn. Vừa qua huyện cũng đã tiến hành kiểm tra rà soát lại các thủ tục pháp lý của các đơn vị này và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh cùng các sở ngành liên quan, đồng thời kiến nghị các sở ngành liên quan hướng dẫn UBND huyện phương án xử lý theo quy định.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện, ông Đại Lợi PCT UBND trao đổi vụ việc với phóng viên Tạp chí Kinh doanh và Phát triển.
“Huyện đang giao các phòng ban liên quan rà soát lại toàn bộ thủ tục pháp lý của các cơ sở dăm gỗ này, Công Ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng có phải thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư; đánh giá tác động môi trường hay không?
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào? Chúng tôi đã xin ý kiến và đang chờ câu trả lời từ phía các sở ngành liên quan rồi mới đưa ra quyết định xử lý như thế nào theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi có câu trả lời từ phía các sở ngành liên quan chúng tôi sẽ cung cấp thông tin tới các anh chị”- ông Lợi nói.
Trước thực trạng, thiết nghĩ huyện Đakrông và tỉnh Quảng Trị cần làm rõ các câu hỏi về việc công Ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng dù chưa có các thủ tục pháp lý đầy đủ như ĐTM, đấu nối vào quốc lộ, sử dụng đất trái với mục đích đăng ký ban đầu, không có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư… nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm trong nhiều năm mà không bị các cơ quan chức năng tỉnh này xử lý.
Điều này sẽ mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh tuân thủ theo pháp luật, cũng như thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý trên địa bàn trong việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.