Tuổi 30 bất an tài chính: Gánh nợ trăm triệu, tiết kiệm 2 triệu/tháng cũng khó
Thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân khiến cho các cặp vợ chồng trẻ gặp áp lực về tiền trong giai đoạn sau kết hôn. Thực tế nhiều gia đình hiện nay với mức chi phí đắt đỏ ở các thành phố lớn, việc tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng cũng khó.
“2 triệu mỗi tháng để dành cũng khó”
Mới đây, trên một diễn đàn về Tài chính cá nhân, một độc giả có chia sẻ rằng, năm nay 30 tuổi nhưng không có gì trong tay ngoài hai con nhỏ. Hiện cũng không có bất cứ một khoản tiết kiệm nào cả, chưa kể đang gánh trên vai khoản nợ hơn 100 triệu đồng. Lý do được độc giả này đưa ra là thời điểm cưới nhau tay trắng, bố mẹ hai bên đều không dư giả, thậm chí phải vay mượn 30 triệu để tổ chức. Thời điểm cưới xong, cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 ập đến, công việc gặp khó khăn, lương thấp. Sau cưới sinh con luôn nên phải lo nhiều chi phí khác nhau.
“Lương tháng của cả 2 vợ chồng chỉ đủ lo cho sinh hoạt cho cả nhà, không tiết kiệm được. Thậm chí có tháng phải vay mượn thêm”, vị độc giả tâm sự.
Chưa kể, việc sinh thêm bé thứ hai khiến cuộc sống nhiều lúc rơi vào cảnh túng quẫn, con ốm liên miên, có tháng chi phí y tế cho hai con hết 6-7 triệu, kinh tế ngày càng kiệt quệ, mặc dù 2 năm trở lại đây thu nhập 2 vợ chồng có tăng hơn so với trước, đạt 20 triệu đồng/tháng. Không có khả năng tham gia bảo hiểm cho 2 con nên tiền thuốc, tiền khám đều tự chi trả.
“30 tuổi mà không có gì trong tay, khoản nợ vẫn treo trên đầu 2 vợ chồng. Sắp hết năm 2024 rồi mà nhiều lúc thấy mình thật sự vô dụng, 2 triệu tiết kiệm 1 tháng giờ cũng khó”, vị độc giả lo lắng nói.
Các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, thực trạng nêu trên là khá phổ biến trong xã hội bởi Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhiều bạn trẻ lập gia đình khi chưa có sự chuẩn bị vững vàng nhất về tài chính cá nhân. Đặc biệt, sau hôn nhân sẽ phát sinh rất nhiều khoản chi phí sinh hoạt, học tập, ngoại giao…so với lúc còn độc thân. Chưa kể thời điểm kinh tế khó khăn sau dịch bệnh, khiến thu nhập bị giảm, việc gia tăng thu nhập khó khăn. Cộng với việc thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân khiến nhiều gia đình gặp khó, thậm chí lâm vào cảnh túng quẫn.
Theo khảo sát “Financial literacy Around the world” của S&P Global thực hiện nhằm đo lường kiến thức tài chính của công dân toàn cầu, Việt Nam chỉ có khoảng 24% dân số có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, trong khi chỉ số trung bình của thế giới là 33%. Chỉ có khoảng 3-5% dân số Việt Nam được trang bị kiến thức tài chính, con số quá nhỏ so với quy mô và tiềm năng của nền kinh tế.
Một số lý do khiến người Việt phiền não về tình hình tài chính cá nhân của mình là gặp khó trong việc tiết kiệm, "ngập" trong nợ nần, cách thức quản trị tiền bạc hay cách quản trị danh mục đầu tư, theo "Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương" do Backbase công bố. Ngoài ra, nhiều người cũng đang gặp khó khăn trong việc làm sao xác định mục tiêu phù hợp với bản thân và lập kế hoạch tài chính khoa học.
Trước hết cần tiết kiệm và xây dự phòng tài chính
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân FIDT cho biết, đây là tình trạng mà nhiều cặp gia đình trẻ Việt Nam ở độ tuổi khoảng 30 gặp phải. Đây là thời điểm mới bước vào cuộc sống hôn nhân, có thêm con, phát sinh thêm nhiều chi phí, thường xuyên gặp phải những áp lực về tài chính. Trong khi các khoản chi hàng tháng của gia đình vừa đúng bằng thu nhập, và chưa có thặng dư để tiết kiệm tích luỹ.
Theo bà Vân, để giải quyết vấn đề thu không đủ chi của nhiều gia đình Việt, điều tiên quyết là cần rà soát lại các khoản chi của gia đình và cắt giảm những khoản không bắt buộc phải chi như ăn ngoài, giải trí, mua sắm cá nhân… Ví dụ, hiện nay tổng thu nhập của một gia đình là hơn 20 triệu/tháng, sống tại Hà Nội, và gia đình chia sẻ rằng không thể nào tiết kiệm được. Hai năm vừa qua, tình hình kinh tế suy thoái, đâu đó có ảnh hưởng đến thu nhập của một số người lao động. Nếu trong trường hợp công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, dẫn đến giảm thu nhập của gia đình chỉ còn 18 triệu/tháng. Với mức thu nhập mới này, hoàn toàn gia đình có thể co kéo các chi phí để duy trì mức sống tương đương với hiện tại...
Điều này cho thấy việc tiết kiệm 1-2 triệu/tháng là điều có thể thực hiện được. Giờ đây mỗi tháng sau khi nhận lương, cần trích luôn 2 triệu/tháng để tiết kiệm, khoản tiền còn lại cân đối cho các khoản chi trong gia đình. Việc tiết kiệm từ số tiền nhỏ trước hết sẽ tạo nên thói quen tích luỹ trước, chi tiêu sau. Trong tương lai, khi thu nhập gia tăng thì nâng dần mức tiết kiệm nhiều hơn.
“Rất nhiều người Việt cũng đã chia sẻ rằng họ không thể tiết kiệm được, tuy nhiên sau khi nắm rõ thêm về tài chính cá nhân, hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và xây dựng quỹ dự phòng tài chính. Nhiều người đã thay đổi”, bà Vân nói thêm.
Ngoài ra, trong tình cảnh đang khó khăn về tiết kiệm, với những khoản nợ hiện hữu, có thể đề xuất xin lùi thời gian trả nợ. Song song với đó, số tiền thặng dư hàng tháng, nên ưu tiên tham gia sản phẩm bảo vệ tài chính, cụ thể là bảo vệ thu nhập cho hai vợ chồng và bảo hiểm sức khoẻ cho hai con với ngân sách dành cho bảo hiểm chiếm từ 5-8%/tổng thu nhập năm.
Bên cạnh đó cần xây dựng thêm quỹ dự phòng khẩn cấp tương ứng với 3 tháng chi tiêu thiết yếu. Quỹ dự phòng này sẽ dành cho các trường hợp bất ngờ xảy ra, việc chuẩn bị trước quỹ dự phòng sẽ giúp hai vợ chồng bạn yên tâm và chủ động hơn trước các tình huống tài chính phát sinh.
“Chỉ còn vài tháng nữa là đến dịp Tết, đây là dịp thường sẽ nhận được các khoản thưởng cuối năm của Công ty. Nếu giảm được các chi phí trong dịp Tết, bớt đi các khoản mua sắm, thăm hỏi gia đình hai bên thì việc xây dựng quỹ dự phòng, tham gia bảo hiểm của cả gia đình bạn sẽ sớm được thực hiện hơn”, bà Hồng Vân khuyến nghị.
Cũng theo bà Hồng Vân, việc xây dựng mục tiêu tiết kiệm một số tiền cụ thể mỗi tháng trước khi chi tiêu, xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, tham gia các giải pháp bảo vệ tài chính phù hợp sẽ giúp gia đình bạn an tâm hơn để làm việc nâng cao thu nhập và dần dần từng bước thanh toán khoản nợ, tích luỹ thêm tài sản để tiếp cận các phương án đầu tư, gia tăng tài sản.