Tuyến đường giao thông lớn nhất tỉnh Ninh Bình sẽ khai thác vào dịp 2/9 tới đây
Dự án giao thông 1.900 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được gấp rút hoàn thiện, góp phần thay đổi 'bộ mặt' hạ tầng địa phương.
Dự án tuyến đường giao thông Đông - Tây là dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng.
Tuyến đường giao thông Đông - Tây tại tỉnh Ninh Bình có chiều dài toàn tuyến là 22,95km và đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc - Nam đầu tư với quy mô 8 làn xe.
Dự án có điểm đầu tuyến đường kết nối với Quốc lộ 1A qua đường Đồng Giao thuộc phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp và điểm cuối giao với Quốc lộ 12B thuộc xã Văn Phong, huyện Nho Quan. Tuyến đường này cũng được kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại nút giao liên thông Đồng Giao, thành phố Tam Điệp.
Tuyến đường Đông - Tây của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1 do Liên danh Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường và Công ty Thành Trung thi công. Dự án được khởi công từ tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai hiện vẫn được gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác dịp 2/9 tới đây.
Chia sẻ với báo Lao Động, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình (chủ đầu tư dự án) cho biết, sau 2 năm triển khai tuyến đường Đông - Tây đã cơ bản hình thành tuyến đường trên thực địa và đang từng bước hiện thực hóa thúc đẩy tạo hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Điều này góp phần tạo cực tăng trưởng mới cho vùng Nho Quan, Tam Điệp; tạo ra không gian dư địa mới, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, tuyến đường góp phần nâng cao hạ tầng giao thông cho địa phương khi kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam... mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng…