USD tăng mạnh phá vỡ mọi kỷ lục: Mối nguy vượt tầm dự báo?
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong các phiên gần đây. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã chạm trần quy định. Song các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa đáng lo ngại vì vẫn trong tầm kiểm soát.
Tỷ giá USD/VND tăng nóng
Thị trường tài chính trong nước và thế giới gần đây biến động rất mạnh và khó lường. Giá vàng quốc tế bất ngờ nóng trở lại, lập kỷ lục mới. Giá vàng trong nước hiện ở quanh đỉnh lịch sử. Giá dầu, chứng khoán tăng cao. Hầu hết các loại tài sản đều có xu hướng đi lên.
Đáng chú ý, giá USD đang tăng mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY) ngày 2/4 vượt lên trên ngưỡng 105 điểm, mức cao nhất từ tháng 11/2023.
Chỉ số này tăng cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không vội điều chỉnh lãi suất. Hai chủ tịch chi nhánh Fed là bà Mary Daly của San Francisco và bà Loretta Mester của Cleveland đều dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng không phải quá sớm.
Những dự báo này đã khiến thị trường hạ dự báo về việc Fed sẽ điều chỉnh lãi suất, khiến USD trở nên mạnh hơn, gây sức ép lên các đồng tiền khác, bao gồm cả VND. Giá USD thế giới tăng cao tạo áp lực cho tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá USD/VND trong 2 phiên gần đây liên tục lập kỷ lục trên thị trường ngân hàng. Giá bán USD tại tất cả ngân hàng đều vượt xa mốc 25.000 đồng/USD.
Trong phiên 3/4, giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng mạnh, có trường hợp chạm trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, tỷ giá bán USD tại Ngân hàng MB có thời điểm đã đạt 25.221 đồng/USD, vượt qua giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN là 25.171 đồng/USD và chạm trần được phép giao dịch.
Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank này 3/4 cũng tăng lên mức 24.760 - 25.130 đồng/USD, lập đỉnh mới ở cả giá bán ra lẫn mua vào.
Đa số ngân hàng thương mại đều đưa tỷ giá bán ra vượt qua mốc 25.100 đồng/USD trong phiên 3/4, một số tiến sát giá bán tại Sở Giao dịch.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng đang hướng tới mức kỷ lục 25.700 đồng/USD, ghi nhận hôm 11/3.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong quý I/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,12% và tỷ giá trung tâm tăng 0,57% so với cuối năm 2023.
Cơ quan này cho rằng tỷ giá USD/VND tăng mạnh là do đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY tăng 2,93% so với cuối năm 2023); chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức âm, kích thích các hoạt động đầu cơ tỷ giá; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu và yếu tố thời vụ khi một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã lý giải về việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ông Tú cho hay có 3 lý do chính khiến đồng USD liên tục tăng trong thời gian vừa qua.
Đầu tiên, Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ khiến giá đồng USD tăng cao. Giá đồng USD tăng cao trực tiếp tác động đến các đồng tiền khác trong đó có Đồng Việt Nam.
Thêm nữa, chính sách hạ lãi suất của các ngân hàng Việt Nam rất mạnh trong thời gian qua đã và đang tạo ra bất cập nhất định. Chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm, tức là lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất đồng USD. Đây là một trong những áp lực khiến cho đồng USD thêm “nóng”.
Cùng với đó, việc nhập khẩu các tháng đầu năm cũng có triển vọng tích cực hơn, càng tạo áp lực cho ngoại tệ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh, áp lực lạm phát, việc lãi suất của Fed được dự đoán là sẽ neo ít nhất đến quý II/2024 nên Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỷ giá USD/VND.
Áp lực tỷ giá chưa đáng lo
Tuy tỷ giá liên tục tăng mạnh nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu song chưa đáng lo ngại vì vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo giới chuyên gia, dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực, với mức giảm khoảng 1,5%. Trong 10 quốc gia châu Á, đồng baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là đồng ringgit của Malaysia (giảm 3,8%) và won của Hàn Quốc (giảm 3,1%).
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, tỷ lệ mất giá của VND/USD so với các nước là thấp, năm 2023 là 2,9%, năm nay mất giá 2,6%. Mức này thấp hơn nhiều đồng tiền khác, như yen Nhật giảm giá tới 7,52% so với đôla Mỹ.
Theo Công ty KB Securities Vietnam, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối lo lớn với Việt Nam. Tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối.
Ông Đào Minh Tú cho biết NHNN có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối. Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, cơ quan này sẽ can thiệp vào điều hành tỷ giá để ổn định thị trường.
Theo Phó Thống đốc, điều hành tỷ giá sẽ linh hoạt, lên xuống phù hợp xu thế chung và đảm bảo mục tiêu là ổn định, sức mua đồng tiền, hài hòa của các trạng thái ngoại tệ ở mức dương, cân đối ngoại tệ…
Từ ngày 11/3, NHNN đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng. Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, gián tiếp kiềm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND vốn đang chịu nhiều áp lực và đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục.
Trong tháng 3, khoảng 164.300 tỷ đồng được NHNN hút về trên thị trường liên ngân hàng, tăng lợi suất tín phiếu.
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating, nhìn nhận với sự hỗ trợ từ nguồn vốn FDI giải ngân và cán cân xuất nhập khẩu (dù 2 tháng đầu năm tình hình xuất siêu có đi xuống so với năm 2023), song tổng thể với các cân đối cán cân thanh toán ngoại tệ như vậy, dòng tiền vào thị trường Việt Nam vẫn lớn hơn so với dòng tiền ra, giúp cung - cầu dòng tiền ra - vào thị trường vẫn ở mức an toàn.
"Về cơ bản, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn còn tồn tại nhưng nhìn dài hơi hơn thì áp lực tỷ giá chưa ảnh hướng lớn tới các cân đối vĩ mô, cũng như triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2024, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt”, ông Duy đánh giá.
Trong một báo cáo phát hành hôm 29/3, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS), cho hay: tỷ giá USD/VND sẽ sớm đảo chiều trong các tháng tới và sẽ về mức 24.400-24.600 đồng/USD, khi Chính phủ ổn định thị trường vàng và Mỹ hạ lãi suất trong nửa cuối năm.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV dự báo, áp lực tỷ giá vẫn còn nhưng sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất dự kiến vào cuối quý II/2024, giảm mức độ chênh lệch lãi suất USD và VND, qua đó giảm đầu cơ tỷ giá.
Cùng chung quan điểm, theo VNDirect, có một số yếu tố giúp giảm áp lực tỷ giá về cuối năm 2024, bao gồm: Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm nay; NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ, cùng với dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỷ giá ổn định hơn.