‘Vận đen’ của ba khủng long nhà PVN

Thị giá các ‘khủng long’ nhà PVN sau gần 3 tháng lên sàn UpCom đã giảm rất mạnh so với mức giá trúng thầu bình quân tại các phiên IPO. Điều đáng nói, các mã này giảm trong bối cảnh kết quả và triển vọng kinh doanh rất tươi sáng.

Chốt phiên 29/5, nhóm cổ phiếu Dầu khí diễn biến khá tích cực khi hầu hết các mã đều tăng điểm. Tính chung, nhóm Dầu khí đã tăng tổng cộng 4,52%. Đây cũng là diễn biến tích cực nói chung khi VN-Index tăng trở lại hơn 20,43 điểm đạt 952,18 điểm, tương ứng mức tăng 2,19%.

Trong bối cảnh như vậy, ba ‘khủng long’ của PVN cũng đều đóng cửa ‘đảo chiều’ từ sắc đỏ giảm điểm sang tăng điểm. Cụ thể, thị giá BSR của Công ty CP Lọc – Hóa dầu Bình Sơn đạt 18.500 đồng/cổ phiếu, tăng 3,4% so với mức giá tham chiếu; thị giá POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty CP đạt 13.900 đồng/cổ phiếu, tăng 2,2%; trong khi đó mã OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty CP tăng 4,3% đạt 17.000 đồng/cổ phiếu

Song vậy, nếu nhìn nhận kể từ quãng thời gian mới chào sàn UpCom, thị giá ba mã cổ phiếu này đều đã giảm rất mạnh. So với mức giá đóng cửa phiên giao dịch chào sàn, thị giá BSR đã giảm tới 41%; POW giảm gần 22%; trong khi đó thị giá OIL đã giảm gần 30%.

‘Vận đen’ của ba khủng long nhà PVN - Ảnh 1
 Thị giá cổ phiếu POW, OIL và BSR kể từ khi chào sàn UpCom đến nay

Mức giá này cũng thấp so với giá trúng thầu bình quân tại các phiên IPO của những mã này.

‘Vận đen’ của ba khủng long nhà PVN - Ảnh 2
 Bảng so sánh thị giá các mã chứng khoán hiện tại so với giá đóng cửa phiên chào sàn và giá trúng thầu bình quân

Các mã này giảm trong bối cảnh kết quả và triển vọng kinh doanh tích cực!

BSR được coi là một trong các mã tiềm năng được giới đầu tư đánh giá cao trong bộ ba ‘khủng long’ nhà PVN.

Trong quý I/2018, doanh thu Công ty đạt 24.091 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch quý. Lợi nhuận sau thuế (LNST) BSR đạt 1.293 tỷ đồng và tăng 46%. Ngoài ra, các chỉ tiêu như sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều tăng 11% so với kế hoạch quý.

Kết quả kinh doanh 2017 của BSR cũng được đánh giá cao với Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 10% đạt 81.214,7 tỷ đồng. LNST tăng 72% đạt 7.712 tỷ đồng. Tuy vậy, trước đó BSR công bố doanh thu sản phẩm 2017 ước đạt 82.027tyr đồng và LNST 8.663 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, báo cáo kết quả doanh thu và lợi nhuận thực của BSR đã giảm lần lượt 187 tỷ đồng và 950 tỷ đồng.

Ngoài ra, BSR cũng đề ra mục tiêu doanh thu trong năm tài chính tới đạt 78.365 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế dự kiến 3.706 tỷ đồng. Các con số này thấp hơn so với chỉ tiêu Công ty đặt ra trong bản cáo bạch khi IPO là tổng doanh thu 82.136 tỷ đồng và lãi ròng 4.334 tỷ đồng.

Trước việc Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoàng Giang và Kế toán trưởng Phạm Xuân Quang bị khởi tố bị can và bắt giam, BSR trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, việc bắt tạm giam với ông Nguyễn Hoài Giang và ông Phạm Xuân Quang là việc cá nhân trong giai đoạn trước đây, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Ngoài ra, các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này liên tục ‘xộ khám’ gần đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu này giảm mạnh.

Khác với BSR, OIL và POW lại liên tục công bố các thông tin tích cực.

Quý I/2018 vừa qua, tổng doanh thu POW đạt gần 8.356 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST cổ đông công ty mẹ đạt 675 tỷ đồng, tăng 37%.

Với OIL, doanh thu của doanh nghiệp này trong 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 215 tỷ đồng và hoàn thành vượt mức kế hoạch 4 tháng đầu năm 2018.

Kết quả và triển vọng kinh doanh tươi sáng, tại sao giá cổ phiếu các mã này liên tục giảm?

Nhiều người có thể cho rằng việc các mã này giảm điểm đến từ việc thị trường giảm điểm khá mạnh kể từ mức đỉnh xác lập trong tháng 4/2018, số liệu từ Bloomberg cho thấy tính đến phiên 28/5, VN-Index đã giảm 23% kể từ mức đỉnh này. Song vậy, có thể thấy, bộ ba ‘khủng long’ của PVN đã liên tục ‘downtrend’ ngay sau khi chào sàn – tức trước thời điểm thị trường đạt đỉnh.

Điều này trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư mua các mã này ngay trong phiên chào sàn, bởi họ kỳ vọng theo lẽ thông thường, cổ phiếu mới chào sàn sẽ có nhiều phiên giao dịch tăng điểm, nhưng như một chuyên gia trao đổi với PV.Nhadautu.vn, ’Điều này đã không thể xảy ra, bởi mức giá đã được phản ánh trong phiên đấu giá IPO của ba cổ phiếu này”.

Ngoài ra, ý kiến khác từ ông Vũ Tuấn Duy – Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty CP Chứng khoán MB (mã MBS) đánh giá, ‘Cả ba mã cổ phiếu này đều có kịch bản tăng trần hoặc sát trần trong ngày giao dịch đầu tiên, không ngoại trừ khả năng nhiều nhà đầu tư mua được các cổ phiếu giá rẻ trong phiên IPO ‘tranh thủ’ chốt lời’.

Nếu chốt lời ngay trong phiên giao dịch đầu tiên mới lên sàn, nhà đầu tư đã có thể thu về bộn tiền. Theo đó, nhà đầu tư có thể lời 36% với mã BSR; hơn 19% với POW và gần 20% với OIL (so theo mức giá bình quân). 

‘Nếu để ý kỹ, có thể thấy kịch bản này từng xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu mới chào sàn’, ông Duy nói thêm.

Một ý kiến khác đánh giá, đà giảm của ba ‘khủng long’ này nằm trong xu thế giảm điểm chung của nhóm cổ phiếu Dầu khí. Tính trong 1 tháng vừa qua, nhóm Dầu khí đã giảm 4,27%.

Theo Hóa Khoa / Nhadautu.vn