Văn hóa ưu tiên nội lực: Đừng để doanh nghiệp tự bơi

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Nam khi bàn về điều tiết và quản lý thị trường văn hóa Việt Nam.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã chất vấn về việc quản lý nội dung, thuế phí đối với các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nhắc lại phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh mong muốn của các doanh nghiệp nội về một sân chơi công bằng, bình đẳng và lưu ý: "Văn hóa phải có ưu tiên cho nội lực của Việt Nam".

Đã có bài học

Chia sẻ quan điểm với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thị trường văn hóa mang tính đặc thù cao. Các sản phẩm văn hóa là loại hàng hóa đặc biệt, không thể tính toán, đo lường giá trị, hạch toán lỗ lãi như các hàng hóa thông thường khác. Chúng không chỉ thể hiện mặt vật chất mà còn cả các mặt tinh thần, tri thức, tình cảm, khả năng thẩm mỹ, sức sáng tạo... của một dân tộc. Bởi "sức mạnh mềm" của các sản phẩm văn hóa là rất lớn nên việc điều tiết, quản lý thị trường này là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, các sản phẩm văn hóa ngoại nhập xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam. 

Đối với dịch vụ truyền hình trên nền tảng internet, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho hay, chúng đã mang tính chất xuyên biên giới. Những công nghệ mới ấy không chỉ  mang lại các sản phẩm văn hóa mà còn có ý nghĩa về kinh tế, mang lại lợi nhuận cực lớn. Cho nên, các nhà cung cấp dịch vụ này chủ yếu là những tập đoàn lớn trên thế giới với doanh thu khổng lồ.

Ngay cả Trung Quốc, quốc gia bên cạnh Việt Nam, cũng đã có một số tập đoàn cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn của Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam đi sau các nước trong lĩnh vực này, chưa có được tập đoàn mang tính quốc tế.

Vấn đề đặt ra là: quản lý hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới như thế nào khi các nền tảng này không đặt máy chủ, không mở văn phòng đại diện ở nước sở tại?

Cần có các giải pháp sớm và nhanh quản lý các nền tảng xuyên biên giới, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài  
Cần có các giải pháp sớm và nhanh quản lý các nền tảng xuyên biên giới, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài  
 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, tình trạng này không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng gặp lúng túng trong việc kiểm soát doanh thu, thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại nước mình.



Tuy nhiên, thời gian qua, chính phủ nhiều nước đã tìm cách siết chặt quản lý để thu thuế các nền tảng xuyên biên giới. Điển hình như châu Âu đưa ra những quy định khắt khe để thu thuế từ Facebook, Google... Việc này vấp phải phản ứng của Mỹ vì đối tượng bị đánh thuế đều là các "ông lớn" của quốc gia này.

Tại Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới, điển hình như Netflix, đang ở trong tình trạng không thuế, không luật, cạnh tranh không cân bằng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước với các nền tảng xuyên biên giới, khi doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung và đóng thuế, còn các nền tảng xuyên biên giới thì không.

"Đây là vấn đề mà các nhà quản lý, các bộ ngành có liên quan ... phải chung tay giải quyết để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề thuế, việc quản lý nội dung của các nền tảng xuyên biên giới cũng là vấn đề gây đau đầu. Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, các nước khác cũng vấp phải vấn đề này nhưng có hành động kiên quyết nếu các nền tảng đăng tải nội dung xấu độc, phản cảm, gây tiêu cực trong quần chúng nhân dân.  

Minh chứng mới nhất là bộ phim "Cuties" của Netflix đã gây ra làn sóng tẩy chay rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới vì gợi dục hóa hình ảnh của trẻ nhỏ đầy phản cảm. Sự việc lên đến cao trào khi hồi tháng 10, Netflix bị đại bồi thẩm đoàn quận Tyler, Texas, Mỹ truy tố với lời buộc tội truyền bá hình ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ em với phim "Cuties".

"Chúng ta chưa làm được như vậy, việc phát hiện những nội dung sai trái trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn phụ thuộc vào khán giả. Đến khi khán giả phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc, đề nghị các nền tảng trên điều chỉnh, gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Có thể thấy,việc kiểm soát nội dung của các nền tảng xuyên biên giới và phản ứng của các cơ quan quản lý còn chậm. Tất nhiên việc này rất khó vì nội dung trên các nền tảng này ngồn ngộn, khó có thể kiểm soát được. Bản thân các nước cũng gặp khó khăn, nhưng họ cố gắng giải quyết tối đa vì có điều kiện hơn, trình độ quản lý cao hơn nên phát hiện và ngăn chặn được sớm; luật pháp của họ cũng nghiêm khắc hơn, hình phạt nặng nên các nền tảng xuyên biên giới phải có trách nhiệm kiểm soát trước khi đăng tải", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ và cho rằng thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý phải có bộ phận chuyên giám sát, theo dõi, phát hiện có vấn đề phải phản ứng ngay.

"Chúng ta đã có nhiều bài học với các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, nhất là phim ảnh và tác động của chúng, bởi chúng đi vào nhận thức của con người, muốn thay đổi không hề dễ.

Cho nên, một mặt Việt Nam phải có bộ phận theo dõi, giám sát nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý, mặt khác phải tuyên truyền, phổ cập cái đúng, cái tốt của mình cho thế giới biết, không thể cứ ngồi đối phó mãi", PGS.TS Nguyễn Văn Nam đề nghị.

Nên ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam

Nhắc lại đặc thù của thị trường văn hóa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, song bên cạnh đó vẫn cần ưu tiên cho nội lực Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa phát triển.

Muốn vậy, trước tiên Việt Nam phải có chính sách cụ thể, rõ ràng. Trong kinh tế thị trường, đa phần các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực văn hóa cũng được xã hội hóa, mà như vậy, theo ông Nam, không thể để các doanh nghiệp này tự mình lăn lóc, vận động, được đến đâu hay đến đó.

"Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận mà còn mang trọng trách khác. Do đó, cơ quan quản lý phải thấy doanh nghiệp nào làm ăn đúng đắn thì thay vì chỉ biết đánh thuế thì cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp lớn lên, trước hết là phổ cập được thị trường trong nước, sau đó tiến ra thị trường thế giới.

Đây phải là một chính sách lớn, một đường hướng phát triển. Các tập đoàn tầm cỡ thế giới của Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn có sự hỗ trợ của nhà nước, nên không có cớ gì mà Việt Nam không hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhỏ yếu của mình. Dĩ nhiên, sự hỗ trợ này phải đúng luật và phù hợp với WTO và các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ và lưu ý, việc hỗ trợ này không chỉ bằng tiền, giảm thuế phí, mà quan trọng nhất là phải tạo ra được một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng để doanh nghiệp phát huy hết năng lực của mình.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt