Vay tiền ngân hàng mua nhà: Tá hoá với muôn khoản phí đính kèm
Thực tế, người vay không thể thụ hưởng một mức lãi suất ngân hàng thấp khi mua nhà như kỳ vọng. Chưa kể, nếu không xem xét kỹ lưỡng, người vay sẽ còn phải gánh rất nhiều khoản phí.
Lãi suất ngân hàng có rẻ... “như lời đồn”?
“Đây là thời điểm vàng để mua nhà bởi lãi suất ngân hàng đang rất rẻ”, “Nếu không mua nhà thời điểm này thì sẽ mua nhà thời điểm nào khi lãi suất ngân hàng rất rẻ”… là những lời quảng cáo của không ít môi giới, nhân viên ngân hàng dành cho khách hàng mua nhà.
Khi PV Reatimes thực hiện khảo sát về mức lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà ở thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thực tế, mặt bằng chung lãi suất ngân hàng không rẻ như lời quảng cáo.
Thông thường, đối với người mua nhà để ở thực, xu hướng lựa chọn vay ngân hàng chủ yếu thông qua hình thức trả góp hằng tháng. Mức lãi suất cho hình thức vay mua nhà trả góp đều dao động ở ngưỡng từ 7 - 12%/năm.
Chia sẻ từ các nhân viên tín dụng ngân hàng cho thấy, mức lãi suất cho vay mua nhà của Ngân hàng Seabank năm đầu tiên dao động ở ngưỡng 7,5 - 8%. Những năm sau, mức lãi suất được tính cộng thêm biên độ 3,5%.
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà của ACB năm đầu tiên là 8%/năm và đến năm thứ 2 trở đi, mức lãi suất thả nổi dựa trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm huy động (trên 30 tỷ đồng) trong 13 tháng cộng biên độ 3,5%.
Con số tương ứng tại ngân hàng Ocean Bank là 8,3% năm đầu tiên và những năm sau, lãi suất được tính dựa trên lãi suất gửi tiết kiệm 18 tháng cộng biên độ 3,5%. Lãi suất năm đầu tiên cho vay mua nhà của TPBank ở ngưỡng 8,5%/năm và những năm sau thả nổi bằng công thức lãi suất gửi tiết kiệm cộng biên độ 3,5%.
Với cách tính như hiện nay, người mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên, còn những năm sau, lãi suất được ước tính dao động từ 10,5 - 12%/năm.
Nếu so với mức lãi suất này với thời điểm năm 2019 dành cho người mua nhà, thực tế, mức chênh lệch không đáng kể hoặc với nhiều ngân hàng, lãi suất vay mua nhà là tương đương.
Muôn khoản nợ phí
Không chỉ phải gánh các khoản lãi hàng tháng khi mua nhà trả góp, khách hàng còn phải gánh nhiều khoản phí. Điều đáng nói, không ít khách hàng tá hoá ra khi đến ngày giải ngân, nhân viên tín dụng mới “tiết lộ” các khoản phí đính kèm.
Anh Nguyễn Đức (Dương Nội) kể: “Gia đình tôi vay tiền để mua nhà đất. Ban đầu, nhân viên tín dụng Ngân hàng giới thiệu khoản lãi suất cho vay năm đầu tiên chỉ ở mức 7,5%. Rõ ràng đây là một mức lãi suất đầy hấp dẫn. Nhưng đến ngày chuẩn bị ra Quyết định vay vốn, nhân viên tín dụng thông báo, muốn vay được mức lãi suất này, khách hàng sẽ buộc phải mua 1 trong 2 bảo hiểm: Một là bảo hiểm nhân thọ với gói 20 triệu đồng/năm; hoặc hai là bảo hiểm cho tài sản với chi phí trung bình mỗi tháng chi trả 400.000 đồng. Nếu tính mức lãi suất cộng với khoản bảo hiểm phải trả thì thực tế, khách hàng sẽ phải chi trả khoản tiền lớn cho việc vay vốn”.
Cũng theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức: “Tôi đã thông báo với nhân viên tín dụng rằng, gia đình tôi đều có bảo hiểm nhân thọ nên không có nhu cầu sử dụng gói bảo hiểm này từ phía ngân hàng. Sau đó, nhân viên tín dụng lại yêu cầu phải nộp bảo hiểm cháy nổ với mức phí 1,1% giá trị tài sản vay vốn. Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu, khoản bảo hiểm cháy nổ chỉ phải mua áp dụng đối với chung cư và loại trừ với nhà đất dân ở, không kinh doanh”.
Theo chị N.T (nhân viên 1 ngân hàng tư nhân tại Hà Nội), khách hàng phải tìm hiểu kỹ các thông tin chi phí để làm thủ tục cho vay và lãi suất thả nổi sau năm đầu tiên ưu đãi. Đối với chi phí để làm thủ tục cho vay, một số ngân hàng sẽ được miễn phí khoản định giá tài sản nhà. Các chi phí như phí công chứng, thế chấp sẽ phải nộp theo quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, khách hàng phải kiểm tra khoản phí quản lý tài sản hàng năm, một khoản tiền không nhỏ có thể “bỗng nhiên” phát sinh kèm khoản vay. Trong khi đó, hiện tại, một số ngân hàng áp đặt khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ để được nhận lãi suất ưu đãi và đây cũng là khoản phí phát sinh không hề nhỏ.
Theo chị N.T, thông thường, nhân viên tư vấn hạn chế chia sẻ các chi phí liên quan và đến khi khách hàng nhận được Quyết định vay vốn đành phải “ngậm bồ hòn” ký.
“Rất nhiều khoản phí có thể phát sinh nếu khách hàng không hỏi kỹ. Nếu đưa một quyển hợp đồng dày, khách hàng sẽ lười đọc và đến lúc ký vay, họ mới nhận ra sự thật là lãi suất tưởng thấp mà hoá ra lại “đắt”, chị N.T cho hay.