Vị thế độc quyền vàng miếng: Doanh thu giảm không phanh, SJC khó tìm lại thời hoàng kim?

Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, doanh thu của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) liên tục giảm mạnh. Năm 2024, thay vì vàng miếng, SJC chọn tập trung vào mảng kinh doanh trang sức.

Ngày 10/5, vàng SJC chính thức xô đổ mọi kỷ lục về giá khi chạm mốc 92,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của kim loại quý này. Chỉ trong 5 tháng năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng tới 18,4 triệu đồng/lượng. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, vàng miếng SJC đã tăng tới hơn 25 triệu đồng/lượng.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC liên tục tăng, thậm chí còn có nhiều đợt “sốt giá” nhưng Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị độc quyền vàng miếng SJC lại đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2024 vào kinh doanh trang sức. Trong nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh vàng miếng đóng góp một phần rất nhỏ vào doanh thu của SJC và không còn là lĩnh vực chủ lực của công ty này. 

Đứng thứ 4/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam nhờ vàng miếng

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập từ năm 1988 và là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc quản lý của UBND TP.HCM. Đến năm 2010, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).

Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên trên thị trường. Sản phẩm vàng miếng của SJC mang nhãn hiệu Rồng vàng SJC 9999, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng.

Sự xuất hiện của vàng miếng SJC đã làm thay đổi hoàn toàn việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ của người dân. 

Giai đoạn 2007 – 2011, thời điểm giá vàng tăng mạnh, được xem là thời hoàng kim của doanh nghiệp kinh doanh vàng này. Khi đó, có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành nhưng vàng miếng SJC chiếm tới 90% giao dịch vàng trong lưu thông và chiếm 85% lượng vàng dân nắm giữ. Trong nhiều năm liền, vàng miếng SJC được sử dụng như một phương tiện thanh toán trong các giao dịch bất động sản.

Biểu đồ doanh thu và lợi nhuận của SJC giai đoạn 2011 - 2023.
Biểu đồ doanh thu và lợi nhuận của SJC giai đoạn 2011 - 2023.

Năm 2011, doanh thu của SJC đạt 111.000 tỷ đồng và xếp thứ 4 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. 

Đến năm 2012, Nghị định 24 ra đời với nhiệm vụ chống “vàng hóa” nền kinh tế. Thương hiệu vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Với sự ra đời của Nghị định 24, vàng miếng bị quản lý chặt, các ngân hàng cũng không được phép huy động vàng. Những thay đổi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vàng miếng SJC dù là thương hiệu độc quyền.

Doanh thu của giảm không phanh từ mức đỉnh 111.000 tỷ đồng của năm 2011 xuống còn 72.050 tỷ đồng trong năm 2012 và 27.667 tỷ đồng năm 2013. Sau khi tạo đáy vào năm 2014 với 16.037 tỷ đồng, doanh thu của SJC dần hồi phục trong giai đoạn 2015 – 2022 nhưng chỉ dao động 17.689 – 27.153 tỷ đồng. 

Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng, thấp hơn 1% mục tiêu của năm 2023 và gần như là mức cao nhất trong 6 năm qua. Dẫu vậy, mức doanh thu dự kiến này vẫn còn kém xa so với giai đoạn trước của SJC.

Nếu như trước năm 2012, lợi nhuận của SJC dao động từ 300 – 400 tỷ đồng/năm thì nay chỉ đạt 74 – 80 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng miếng chỉ còn đóng góp 7% lợi nhuận công ty (số liệu năm 2015), thay vì chiếm 90 – 95% như trước. 

Khó tìm lại thời hoàng kim?

Những năm đầu phát triển, do hoạt động kinh doanh vàng miếng mang lại lợi nhuận khổng lồ nên mảng kinh doanh trang sức vốn như "con ghẻ" vì không được SJC chú trọng. Dù vậy, SJC cũng đã thành lập bộ phận sản xuất vàng trang sức từ năm 2007.

Song mãi đến năm 2012, khi hoạt động kinh doanh vàng miếng bắt đầu bị ảnh hưởng do Nghị định 24, SJC mới thực sự đầu tư vào kinh doanh nữ trang, bao gồm cả phân khúc phổ thông và phân khúc cao cấp. Thay đổi trong định hướng kinh doanh cũng đã góp phần cải thiện đáng kể vào biên lợi nhuận gộp của SJC.

SJC chuyển hướng tập trung vào mảng trang sức.
SJC chuyển hướng tập trung vào mảng trang sức.

Trong báo cáo kế hoạch kinh doanh 2024 gửi UBND TP.HCM, định hướng mảng kinh doanh chủ lực của SJC năm 2024 là tập trung vào sản xuất kinh doanh trang sức. Từ chỗ thương hiệu vàng miếng độc quyền, SJC hướng tới việc trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về trang sức tại Việt Nam.

Có thể nói, việc SJC tập trung vào phân khúc trang sức là điều phù hợp với bối cảnh hiện tại. Theo thống kê của Statista, trang sức đang là phân khúc tiềm năng tại Việt Nam. Ước tính thị trường trang sức Việt Nam có doanh thu đạt 1,14 tỷ USD trong năm 2024 và có tốc độ tăng trưởng hàng năm CAGR là 3,73% trong giai đoạn 2024 – 2028.

Tuy nhiên, thị trường tiềm năng cũng đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn. Thực tế, trên thị trường trang sức, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện đang dẫn đầu với doanh thu cao nhất lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Năm 2023, PNJ đạt doanh thu 9.760 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận của PNJ cũng bỏ xa SJC. Trong đó, phân khúc trang sức tiếp tục có đóng góp lớn nhất vào đà tăng trưởng lợi nhuận khi chiếm tới 2/3 tổng doanh thu. 

Ngoài PNJ, thị trường trang sức còn có sự cạnh tranh từ nhiều thương hiệu khác như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải,… Những thương hiệu này dù doanh thu chưa bằng PNJ nhưng cũng tạo ra sức ép không nhỏ lên SJC trên thị trường trang sức tại Việt Nam.

Khi vàng miếng SJC không còn là “con gà đẻ trứng vàng”, việc tập trung phát triển phân khúc vàng trang sức được xem là nỗ lực đa dạng hóa mạng lưới klinh doanh và tăng trưởng doanh thu của SJC. Dẫu vậy, phải thừa nhận một điều rằng, rất khó để SJC “thâu tóm” phân khúc vàng trang sức, như cách mà SJC từng thành công với thị trường vàng miếng trước năm 2012.

 

Khánh Tú

Theo VietnamFinance