VIC góp sức giúp VN-Index vượt mốc 1.200 điểm trong phiên 18/3

VN-Index vượt qua mốc 1.200 điểm trong phiên 18/3 bất chấp tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra ở HoSE. VIC có đóng góp quan trọng giúp VN-Index bứt phá.

Phiên giao dịch ngày 18/3, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo chiều hướng tích cực khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh và góp phần giúp VN-Index vượt mốc quan trọng 1.200 điểm.

Thị trường mở cửa phiên trong sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp VN-Index giao dịch ở trên mốc tham chiếu xuyên suốt phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là tâm điểm khi ghi nhận rất nhiều mã tăng mạnh, trong đó, VCI tăng 6,1%, TCB tăng 4,1%, BID tăng 3,9%, VND tăng 3,7%, SHB tăng 3,2%.

Cuối giờ chiều, trên thị trường xuất hiện thông tin Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở Ba3 và nâng triển vọng từ "tiêu cực" lên "tích cực". Đây có thể là động lực giúp nhóm ngân hàng “nổi sóng” ở phiên 18/3.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như HVN, GVR, VNM… cũng tăng giá tốt. Trong đó, HVN tăng đến 5,2% lên 32.400 đồng/cp sau thông tin Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Dù có được mức tăng tốt nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột nhưng VN-Index chỉ thực sự vượt được mốc 1.200 điểm vào cuối phiên, thời điểm này có thêm một số mã lớn khác bứt phá và VIC là một trong số đó. VIC chốt phiên tăng 1,8% lên 60.700 đồng/cp và khớp lệnh 1,5 triệu cổ phiếu; đóng góp vào đà tăng của VN-Index 1,77 điểm (0,15%) chỉ sau VCB và BID.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Bên cạnh VIC, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như BCM, NVL, VHM, THD và VRE đều tăng giá trong phiên 18/3 nhưng mức tăng có phần khiêm tốn hơn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ biến động theo chiều hướng phân hóa, dù vậy, phía tăng giá có phần chiếm ưu thế hơn. Các mã như OCH, SGR, CIG, NVT… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, FLC tăng trở lại 4,2% lên 7.500 đồng/cp, HPX tăng 3,3% lên 37.850 đồng/cp, DXG tăng 2,9% lên 37.850 đồng/cp. Mới đây, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) - công ty con do Tập đoàn Đất Xanh nắm giữ 84,2% vốn dự kiến chào bán tối đa hơn 71,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 20% vốn điều lệ. Trong đó có hơn 35,83 triệu cổ phiếu do cổ đông hiện hữu chào bán và hơn 35,83 triệu cổ phiếu phát hành mới.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá có HQC, PVL, NLG, SIP, KOS… Trong đó, HQC giảm 2,3% xuống 2.990 đồng/cp, PVL giảm 3,3% xuống 2.900 đồng/cp, NLG giảm 2% xuống 34.150 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 14,85 điểm (1,25%) lên 1.200,94 điểm. Toàn sàn có 250 mã tăng, 178 mã giảm và 85 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,93 điểm (0,34%) lên 277,48 điểm. Toàn sàn có 108 mã tăng, 99 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,23%) xuống 81,52 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.123 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 777 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.951 tỷ đồng. HQC và FLC vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh được 25 triệu cổ phiếu còn FLC là 22,2 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giảm bán ròng trên HoSE trong khi mua ròng trở lại ở HNX và UPCoM. Tính tổng cộng, khối ngoại bán ròng hơn 340 tỷ đồng trên toàn thị trường. Bộ 3 cổ phiếu Vingroup là VIC, VHM và VRE đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại, trong khi đó, KBC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng với 9,3 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thông tin tích cực từ FED đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên hứng khởi ngay từ đầu phiên dẫn đến lực cầu tương đối tốt. Và lực cầu tăng mạnh trong phiên ATC đã giúp chỉ số VN-Index đóng cửa trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2021. Tuy nhiên, trong phiên 18/3 lại có sự suy giảm so với phiên tăng trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên vẫn còn sự dè dặt, mức tăng một phần có được từ sự tiết cung từ các nhà đầu tư đang chờ bán ở mức giá cao hơn.

SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường có thể sẽ rung lắc do chịu áp lực bán chốt lời ngắn hạn. Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến ngưỡng 1.250 điểm vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 và 10/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 ngày nếu chưa chốt lời trong phiên hôm qua có thể canh giá tốt trong phiên 19/3 để bán ra. Những nhà đầu tư mua vào trong phiên 16/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 ngày tiếp tục quan sát và có thể canh mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.155 - 1.180 điểm (MA20-50)./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes