VietBank: 'Ghế nóng' Tổng giám đốc liên tục biến động, hoạt động kinh doanh ảm đạm
Tình hình nhân sự cấp cao liên tục biến động đã ảnh hưởng không ít tới kết quả kinh doanh và nợ xấu ngân hàng Vietbank. Đặc biệt, nợ khả năng mất vốn đang tăng mạnh là vấn đề ngân hàng này đang gặp phải.
‘Ghế nóng’ Tổng giám đốc VietBank liên tục biến động
Ông Nguyễn Thanh Nhung - Trợ lý Chủ tịch HĐQT sẽ giữ chức danh Quyền Tổng giám đốc VietBank thay cho ông Thanh.
Đáng chú ý, vào năm 2016 chính ông Nguyễn Thanh Nhung đã nhường lại vị trí Tổng giám đốc cho ông Nguyễn Đăng Thanh để đảm nhận vị trí trợ lý Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Thanh Nhung bắt đầu tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành VietBank từ tháng 5/2014, sau khi ông Cao Văn Đức từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc vì lý do cá nhân.
Đến ngày 13/3/2020, Vietbank phát đi thông cáo về việc miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Nhung. Quyết định có hiệu lực ngay trong ngày 13/3. Phía Vietbank nói rằng, quyết định miễn nhiệm được ban hành theo nguyện vọng cá nhân của ông Nhung.
Để bảo đảm điều hành hoạt động kinh doanh liên tục, Hội đồng quản trị cũng đã bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietbank giữ chức danh Quyền Tổng Giám đốc Vietbank và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Người đại diện theo pháp luật của Vietbank.
Mới đây nhất, HĐQT VietBank vừa chính thức bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vietbank kể từ ngày 08/03/2021.
Nợ xấu tại Vietbank tăng mạnh, kết quả kinh doanh ảm đạm
Do nhân sự cấp cao liên tục biến động, kết quả kinh doanh và chất lượng tín dụng của Vietbank cũng bị ảnh hưởng không ít.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020, trong quý 4/2020, hầu hết các hoạt động kinh doanh của Vietbank đều cho con số không mấy khả quan.
Quý 4/2020 do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 95% so với cùng kỳ, chỉ còn 10,8 tỷ đồng. Dẫn đến lợi nhuận trước và sau thuế tại VietBank chỉ còn hơn 29 tỷ đồng và hơn 23 tỷ đồng, giảm mạnh đến 84% và 82%.
Cả năm 2020, hoạt động chính của VietBank vẫn giảm 53% so với năm trước, chỉ còn hơn 573 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài lãi được ngân hàng đẩy mạnh như lãi từ dịch vụ tăng 26% đạt hơn 61 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối và vàng tăng gấp 5 lần đạt 37,6 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư gấp 2,7 lần đạt gần 835 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Vietbank giảm đến 41% so với năm trước, chỉ còn gần 48 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 35% xuống còn hơn 450 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 giảm 34% và 32%, còn gần 403 tỷ đồng và gần 319 tỷ đồng.
Phân tích nợ xấu của Vietbank tính đến 31/12/2020, theo BCTC hợp nhất quý 4/2020, tổng nợ xấu tăng 46% so với đầu năm, lên mức gần 785 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh nhất với 69% lên mức 599 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ 8%, ở mức 94 tỷ đồng. Dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của Vietbank tăng từ mức 1,32% lên 1,75%.
Vietbank lỡ hẹn tăng vốn
Năm 2020, VietBank dự kiến phát hành 58,66 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100: 14, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 14 cổ phiếu phát hành thêm.
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ VietBank cho biết, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017-2019 sau khi trích lập các quỹ, phù hợp với quy định pháp luật với số tiền là trên 586,62 tỷ đồng.
Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 4/2020. Sau phát hành, vốn điều lệ của VietBank dự kiến sẽ tăng thêm hơn 586,6 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 14% so với cuối năm 2019, lên 4.778 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, vốn điều lệ tại VietBank vẫn ở mức cũ 4.190 tỷ đồng.
Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra gần cuối quý 2/2020, HĐQT VietBank đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.190 tỷ đồng lên 4.819 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với cuối năm 2019 bằng việc phát hành 62,87 triệu cổ phiếu trả tức cho cổ đông hiện hữu.