Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn nhưng kết quả có được như kỳ vọng?

Trong năm 2020, hàng loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong đó có cả nhóm Big4. Tuy nhiên, chặng đường tăng vốn có vẻ còn nhiều khó khăn.

Từ đầu năm 2020, kể từ khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực thi hành thì các ngân hàng đã bắt đầu ráo riết lên kế hoạch tăng vốn để đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn nhưng kết quả có được như kỳ vọng? - Ảnh 1

Trong nửa đầu năm 2020, hệ thống ngân hàng chỉ có 4 ngân hàng thực hiện tăng vốn. Cụ thể, hồi đầu năm MB đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng. SHB cũng đã chào bán thành công 300 triệu cổ phiếu đưa tổng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng.

OCB đã tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng qua bán vốn. LienVietPostBank đã phát hành 88 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 8.944 lên 9.768 tỷ đồng. 

Ngược lại, 6 tháng cuối năm 2020 các ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn điều lệ. Kết quả, hết năm 2020 có 13/27 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ so với đầu năm. 

Chẳng hạn, ACB tăng vốn điều lệ từ hơn 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức; MB tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ đợt 2 bằng cách chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, qua đó tăng vốn điều lệ của ngân hàng này lên 27.988 tỷ đồng;…

Loạt nhà băng chưa hoàn thành đủ kế hoạch tăng vốn

Tốc độ thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng.  
Tốc độ thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng.  
Khảo sát tại 27 ngân hàng, tính đến cuối năm 2020, có 13/27 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ so với đầu năm. Trong đó, HDBank (HDB) là nhà băng đã tăng vốn mạnh nhất từ 9.810 tỷ đồng lên 16.088 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm và đã hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tiếp theo là SHB tăng 45% so với đầu năm, từ 12.036 tỷ đồng lên 17.558 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2020 tại SHB là tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỷ đồng. Do đó, SHB mới chỉ hoàn thành khoảng 90% kế hoạch đề ra.

Năm 2020, ngân hàng Bản Việt đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.171 tỷ đồng lên 4.077 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020 nhà băng này vẫn ‘bặt vô âm tín’.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2020, OCB đề ra mục tiêu vốn điều lệ sẽ tăng từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 11.275 tỷ đồng. Tuy nhiên, OCB chỉ thực hiện được 97% kế hoạch trên sau khi tăng được gần 39% vốn điều lệ so với đầu năm, nâng được vốn lên mức 10.959 tỷ đồng.

Hay tại SCB, năm 2020 dự kiến sẽ tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng mức vốn điều lệ lên 20.232 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, vốn điều lệ tại SCB vẫn giữ nguyên so với năm 2019 ở mức 15.232 tỷ đồng.

Như vậy, trong 27 ngân hàng khảo sát, chỉ có 7 ngân hàng hoàn thành được kế hoạch tăng vốn đã đề ra gồm SeABank, MB, VIB, ACB, Techcombank, HDBank và LPB.

Ngoài ra, có 5 ngân hàng dù đề ra kế hoạch nhưng lại chưa tăng được vốn như kỳ vọng như SHB, OCB, SCB, VietBank và Ngân hàng Bản Việt.

Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn nhưng kết quả có được như kỳ vọng? - Ảnh 2

.Đáng chú ý, trong thời gian qua, các ngân hàng vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agibank đều gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn so với các ngân hàng tư nhân do cần sự phê duyệt của nhiều cấp thẩm quyền hơn.

Hà Phương/Theo Sở hữu trí tuệ