VN-Index 'mất đà' trước ngưỡng 1.300, tài khoản chứng khoán mở mới giảm một nửa

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9 chỉ đạt 158.504 đơn vị. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đến nay.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến ngày 30/9/2024, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đạt 8,86 triệu đơn vị. Như vậy, trong tháng 9, số lượng tài khoản mở mới là 158.504 đơn vị, giảm một nửa so với tháng 8. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đến nay.

VN-Index 'mất đà' trước ngưỡng 1.300, tài khoản chứng khoán mở mới giảm một nửa
VN-Index 'mất đà' trước ngưỡng 1.300, tài khoản chứng khoán mở mới giảm một nửa

Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt 8,82 triệu đơn vị, tăng thêm 158.302 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 8, chủ yếu tập trung ở phía các nhà đầu tư cá nhân.

Với 158.212 tài khoản mở mới trong tháng 9, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt 8,8 triệu đơn vị, tương đương 8,8% dân số. Trong khi đó, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ có vỏn vẹn 90 đơn vị, giảm 31% so với tháng 8.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, tổng số tài khoản giao dịch đạt 47.206 tài khoản, tăng 202 đơn vị so với tháng trước. Theo thống kê, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 180 tài khoản, giảm 31%. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức mở mới 22 tài khoản, trong khi tháng trước đóng ròng 7 tài khoản.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng chậm lại diễn ra trong bối cảnh thị trường đang loay hoay ở vùng 1.300 điểm. Việc VN-Index nhiều lần “mất đà” khi bước tới ngưỡng kháng cự đã làm các nhà đầu tư nảy sinh tâm lý tiêu.

Chưa kể, sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Yagi đối với nền kinh tế miền Bắc, cùng với những biến động trên thị trường thế giới như việc Fed cắt giảm lãi suất và nhưng lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ, cũng làm tăng thêm sự dè dặt từ phía nhà đầu tư.

Thanh khoản thị trường tụt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, cho thấy sự suy yếu rõ rệt của dòng tiền nội. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái trầm lắng, dù có nhiều luồng thông tin hỗ trợ tích cực.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 17.737 nghìn tỷ đồng trong tháng 9. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 15.109 tỷ đồng, giảm 8,5% so với mức bình quân tháng 8 và giảm 24,7% so với mức bình quân 5 tháng.

Ở chiều ngược lại, dòng tiền ngoại bắt đầu cho thấy dấu hiệu đảo chiều sau thời gian dài liên tục xả hàng. Trong tháng 9, giá trị bán ròng trên HoSE giảm mạnh, chỉ còn 2.100 tỷ đồng. Đặc biệt, xu hướng đã hoàn toàn thay đổi khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng từ đầu tháng 10.

Rõ ràng, sự ra đời của Thông tư 68 vào trung tuần tháng 9 đã tạo ra hiệu ứng tích cực lên dòng vốn ngoại. Tháng 11 tới đây, nút thắt pre-funding sẽ chính thức được gỡ bỏ, gíup các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. Đây cũng là Đây là bước tiến rất quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn nâng từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.

Hà Lê

Theo VietnamFinance