VN-Index tích luỹ vùng 1.250 – 1.300 điểm trong ngắn hạn và chờ thời

Theo ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 được đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục tích luỹ ở khu vực 1.250 – 1.300 điểm đề chờ đợi thêm các tín hiệu tích cực hơn về vĩ mô, chờ đợi thêm số liệu báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2024.

Dòng tiền chảy vào nhóm vốn hoá lớn

Sau quý I, thị trường chứng khoán đã có sự tăng điểm mạnh với mức tăng bằng cả năm 2023. Trong lần tăng điểm này, dòng tiền chủ yếu tập trung mạnh vào các cổ phiếu của doanh nghiệp vốn hoá lớn, thay vì những nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa của lần tăng trước đó.

Tại Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, chứng khoán đã lý giải về vấn đề này. TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, những doanh nghiệp vốn hoá lớn hiện nay đang có xu hướng dẫn dắt về mặt thị trường. Đặc biệt, những doanh nghiệp này thiết lập được chuỗi giá trị cung ứng ở trong nội khối, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế, đồng thời có khả năng quản trị tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, minh bạch.

“Việc dòng tiền đổ vào nhóm này khi nền kinh tế phục hồi là điều dễ hiểu và hết sức cần thiết. Bởi vì các doanh nghiệp vốn hóa lớn không chỉ làm tốt cho doanh nghiệp của họ mà quan trọng nhất là họ còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn còn nhiều hạn chế, chưa đủ khả năng cạnh tranh trên các thị trường”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Theo ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), các doanh nghiệp vốn hoá lớn có vị thế nhất định trên thị trường, cùng với đó là nền tảng tài chính tốt. Khi trải qua được giai đoạn khó khăn vừa qua, đến giai đoạn thị trường phục hồi, nền kinh tế tăng trưởng tốt trở lại, những doanh nghiệp lớn sẽ luôn là các doanh nghiệp dẫn đầu.

Bên cạnh đó, ông Ngô Thế Hiển cho biết các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, cao hơn là Chính phủ đang rất tích cực cải thiện hoặc tháo gỡ các vướng mắc để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào thị trường rất nhiều, chủ yếu chảy vào các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, đặc biệt là trong nhóm VN30.

“Đó là những nguyên nhân khiến cho cả dòng tiền nội lẫn dòng tiền ngoại đã đổ vào các mã vốn hóa lớn nhiều để đón đầu xu hướng này”, ông Ngô Thế Hiển cho biết.

Theo ông Hiển, sự hiểu biết hiện tại của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán đã được nâng lên một bước khá cao so với trước đây, do đó dòng tiền đầu tư rất thông minh. Nhà đầu tư sẵn sàng lựa chọn các doanh nghiệp không đơn thuần là vốn hoá lớn, nhỏ hay vừa, mà sẽ đi vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định, triển vọng tốt và có mức giá hấp dẫn.

“Dòng tiền sẽ sàng khi nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội phù hợp vào những mã cổ phiếu cụ thể, không đầu tư dàn trải, luân chuyển đơn thuần giữa các nhóm vốn hoá như trước đây”, ông Ngô Thế Hiển cho biết.

VN-Index tích luỹ ở vùng 1.250 – 1.300 điểm trong ngắn hạn

Theo ông Ngô Thế Hiển, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 được đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục tích luỹ ở khu vực 1.250 – 1.300 điểm đề chờ đợi thêm các tín hiệu tích cực hơn về vĩ mô, chờ đợi thêm số liệu báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2024. Ông Hiển dự báo thị trường chứng khoán sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn trong các quý còn lại của năm 2024.

Lãnh đạo SHS cho rằng dòng tiền sẽ không rút lui toàn bộ ra khỏi nhóm vốn hóa lớn. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể họ chuyển bớt một phần sang các mã hoặc các nhóm ngành có tiềm năng những chưa tăng giá. Trong dài hạn, các doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp mang tính chất đầu ngành thì vẫn là những doanh nghiệp thu hút được dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức.

“Đơn cử như ngành thép, với doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Hòa Phát. Vào năm 2023, Hoà Phát gặp nhiều khó khăn nhưng dự kiến năm 2024 sẽ có nhiều triển vọng hơn và đón đầu một chu kỳ mới. Khi kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo các ngành nguyên vật liệu, ngành tài nguyên cơ bản đi lên, từ đó thu hút được dòng tiền”, ông Ngô Thế Hiển cho hay.

Ngoài ra, một số ngành khác mà nhà đầu tư có thể quan tâm như logistics, bán lẻ, công nghệ, bất động sản khu công nghiệp. Đối với ngành bất động sản, đầu năm 2025, một loạt các chính sách quan trọng liên quan như Luật Nhà ở, Luật Bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến trên thị trường bất động sản, dòng tiền có thể chảy vào nhóm ngành này đón đầu trước trong năm 2024.

Chứng khoán cũng là một nhóm ngành được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường trong năm 2024. Giá trị giao dịch gia tăng mạnh và các quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý điều hành thị trường trong việc nâng hạng thị trường là những động lực chính.

Còn theo TS Mạc Quốc Anh, năm 2024 dòng tiền sẽ tập trung vào các ngành như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là những ngành liên quan đến chế tạo các sản phẩm trí tuệ thông minh nhân tạo. Hiện có rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật, Hàn… đang muốn đầu tư vào các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm, các phần mềm thông minh ở Việt Nam.

Hải Đường

Theo VietnamFinance