VPBank tăng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng - lớn nhất sàn chứng khoán

VPBank sẽ phát hành 2,24 tỷ cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông và chào bán riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, vốn hóa của VPBank đạt 174.821 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank và BIDV trong lĩnh vực ngân hàng.  
Hiện nay, vốn hóa của VPBank đạt 174.821 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank và BIDV trong lĩnh vực ngân hàng.  

Năm 2022: Lợi nhuận, vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Năm nay, ngân hàng có bước tiến lớn trong việc tăng vốn điều lệ từ 45.057 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành ngân hàng cũng như trên thị trường chứng khoán.

Theo kế hoạch này, VPBank phát hành 2.237.736.693 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông, tỷ lệ 50%. Sau đó, VPBank chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với 1,19 tỷ cổ phiếu với giá không thấp hơn giá trị sổ sách, thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

Cũng trong năm 2022, VPBank sẽ bán 30 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên từ nguồn cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 3 và nới lỏng từng năm theo tỷ lệ 30% trong năm đầu tiên, 35% cho mỗi năm tiếp theo.

Năm nay, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 27%, đạt 697.413 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28%, đạt 413.060 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 35%, đạt 518.440 tỷ đồng. Đáng chú ý là, VPBank đặt lợi nhuận trước thuế tăng 107%, đạt 29.662 tỷ đồng - cho đến thời điểm hiện nay, đây là kế hoạch lợi nhuận trước thuế cao nhất của các doanh nghiệp niêm yết

Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS VPBank năm 2022 tương đương bằng 0,5% lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Như vậy, nếu đạt được mức lợi nhuận trên, HĐQT (5 người) và BKS (4 người) sẽ nhận được 148 tỷ đồng.

Ngoài những kế hoạch trên, VPBank sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án nhận chuyển nhượng CTCP Bảo hiểm OPES có vốn điều lệ 550 tỷ đồng với giá chào mua không thấp quá 1,5 lần giá trị sổ sách. Bên cạnh là góp vốn tối đa 15.000 tỷ đồng vào công ty con CTCP Chứng khoán ASC (đổi tên thành VPBank Securities).

Lợi nhuận trước thuế của VPBank giai đoạn 2007 - 2021 và kế hoạch 2022 (đơn vị tính: tỷ đồng).  
Lợi nhuận trước thuế của VPBank giai đoạn 2007 - 2021 và kế hoạch 2022 (đơn vị tính: tỷ đồng).  

2021: Cú M&A lịch sử ngành tài chính

Trong thư ngõ gửi cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ: “Tại Đại hội đồng cổ đông một năm trước, chúng ta đã đặt ra những mục tiêu quan trọng mang tính lịch sử đối với VPBank. Đó là hoàn tất thương vụ bán vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn tài chính SMBC của Nhật Bản, đồng thời tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhằm đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng đứng đầu về vốn chủ sở hữu”.

“Tất cả những mục tiêu đó đều đã được hoàn thành, dù năm 2021 là một năm nhiều thách thức nhất VPBank phải đối mặt trong hơn 10 năm qua. Chúng ta không những duy trì được hoạt động của ngân hàng, bảo vệ được thành quả đã xây dựng trong nhiều năm, mà còn mở rộng được hoạt động kinh doanh và tạo nên một cơn “địa chấn” trong lĩnh vực tài chính khi bán thành công 50% vốn tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC và một đối tác trong nước. Đây được coi là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử thị trường tài chính Việt Nam từ trước đến nay, góp phần đáng kể đưa vốn chủ sở hữu của VPBank cán mốc hơn 86.000 tỷ đồng”.

Sự tăng trưởng của vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020. Cùng với bước đột phá đáng tự hào về nền tảng vốn, 2021 cũng là năm giá trị tổng tài sản của VPBank ghi nhận mức tăng 30,6% so với năm 2020, đạt hơn 547.000 tỷ đồng.

Các chỉ số quan trọng khác như dư nợ cấp tín dụng hợp nhất, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đều tăng lần lượt ở mức 18,9% (đạt hơn 384.000 tỷ đồng) và 9,1% (đạt hơn 323.000 tỷ đồng). Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.364 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của VPBank trong năm 2021 thậm chí đã giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước. Chỉ số CIR giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021. VPBank tiếp tục ở nhóm đầu những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất, với ROA đạt 2,5% và ROE đạt 19,8%.

Trong phiên giao dịch gần nhất ngày 8/4, cổ phiếu VPB của VPBank đạt 38.800 đồng/cổ phiếu, tăng 8,4% so với đầu năm. Ở mức này, vốn hóa của VPBank 174.821 tỷ đồng, xếp thứ 8 trong các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và thứ 3 trong ngành ngân hàng sau Vietcombank, BIDV.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống