Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của VPBank: Nợ xấu tăng cao

Dù ngân hàng VPBank đạt nhiều thành tựu đáng nể năm 2021 nhưng con số nợ xấu tăng nhanh đang khiến nhiều người lo ngại.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank-mã chứng khoán VPB) vừa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021. Dù năm 2021 được coi là năm rực rỡ của VPBank nhưng nếu nhìn sâu vào số liệu nợ xấu thì có thể thấy, ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Năm 2021 đạt lợi nhuận bứt phá

Tính đến cuối năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng có số vốn chủ sở hữu trong nhóm đầu hệ thống, đạt gần 86.300 tỷ đồng. Việc liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn trong năm 2021 đã giúp vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tăng mạnh so với con số chưa đầy 53.000 tỷ đầu năm. Quá trình tăng vốn cũng đã giúp ngân hàng cải thiện đáng kể độ an toàn vốn. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank cao hơn nhiều so với năm 2020.

VPBank đạt gần 34.350 tỷ đồng thu nhập lãi thuần năm 2021, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, ngân hàng cũng thành công khi số liệu lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng ~700 tỷ đồng lên 4.059 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng vọt thêm gần 2.000 tỷ lên 3.150 tỷ. Hoạt động khác cũng giúp VPBank có thêm khoảng 570 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi các mảng kinh doanh khởi sắc so với cùng kỳ thì chi phí hoạt động lại giảm nên dù công ty tăng thêm ~4.600 tỷ đồng cho hoạt động dự phòng rủi ro tín dụng thì khoản lợi nhuận sau thuế năm 2021 cũng lên đến ~11.500 tỷ đồng tương ứng tăng nghìn tỷ so với cùng kỳ năm 2020.

Nợ xấu tăng nhanh

Dù rằng, số liệu báo cáo tài chính kiểm toán của VPBank cho thấy con số dự phòng rủi ro tín dụng rất cao tức công ty đã có những phòng bị cho các khoản nợ xấu khá tốt, nhưng số liệu nợ xấu đang tăng rất nhanh của VPBank là vấn đề đáng chú ý. Nhờ dư nợ cho vay tăng nhanh tăng hơn 22% so với đầu năm 2021 nên nhiều người đã không để ý đến số liệu nợ xấu của VPBank. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 6.024 tỷ đồng đầu năm lên 6.662 tỷ cuối năm; nợ nghi ngờ tăng nhanh "phi mã" từ 1.823 tỷ đồng lên 7.535 tỷ đồng cuối năm 2021 và nợ có khả năng mất vốn vẫn giữ được con số hơn 2.000 tỷ.

Như vậy, nợ xấu cuối năm 2021 của VPBank đã lên đến gần 4,7% so với con số 3,4% so với cuối năm 2020.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của VPBank: Nợ xấu tăng cao - Ảnh 1

Trước đó, nhiều thông tin phân tích cho rằng sở dĩ nợ xấu của VPBank tăng mạnh cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối là do công ty con FE Credit chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Dữ liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của VPBank cũng cho thấy, mảng cho vay tiêu dùng là mảng có mặt bằng lãi suất cho vay cao. Trong khi cho vay khác lãi suất chỉ từ 3,15% đến 15,4% thì mảng cho vay tiêu dùng có lãi suất đến 34,52% tại thời điểm cuối năm 2021. 

Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của VPBank: Nợ xấu tăng cao - Ảnh 2

Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn hẳn các hoạt động cho vay khác

Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, trong năm 2021, ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay liên quan bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; ngân hàng cũng cấp tập đẩy nhanh cho vay trong hoạt động tài chính và bảo hiểm đẩy dư nợ của mảng này lên gần gấp 3 lần đầu năm 2021, đạt hơn 21,8 nghìn tỷ. Mảng bất động sản cũng được tăng mạnh cho vay nhưng tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn cho vay hoạt động tài chính, bảo hiểm nhiều.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của VPBank: Nợ xấu tăng cao - Ảnh 3

Ngô An

Theo Chất lượng và cuộc sống