Vụ Tân Hoàng Minh: Lật mở những mối liên hệ giữa các doanh nghiệp qua công ty Thiên Bảo Phú Quốc
Công ty CP Thiên Bảo Phú Quốc là chủ sở hữu dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc trị giá 24.000 tỷ hiện nay đang được xem là khoản nợ “ế hàng” của Agribank. Trước đó, dự án đã được mang đi thế chấp cho một loạt các khoản vay của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh.
Công ty CP Thiên Bảo Phú Quốc là chủ sở hữu dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc trị giá 24.000 tỷ hiện nay đang được xem là khoản nợ “ế hàng” của Agribank. Trước đó, dự án đã được mang đi thế chấp cho một loạt các khoản vay của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh.
Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, sau khi “phù phép” báo cáo tài chính của 3 pháp nhân công ty con để “hút” về gần 14.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã sử dụng số tiền này để trả nợ đến hạn, quá hạn cho nhà đầu tư, ngân hàng và mua cổ phần, hợp tác đầu tư dự án.
Đáng chú ý, trong tổng số 3.835 tỷ đồng được sử dụng cho mục đích đầu tư, Tân Hoàng Minh đã chi 1.475 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty CP Thiên Bảo Phú Quốc.
Thiên Bảo Phú Quốc là chủ sở hữu dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc (tên thương mại: D’Thiên Bảo Phú Quốc) - một phần thuộc Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí Tân Hoàng Minh Phú Quốc.
Giữa Công ty Thiên Bảo Phú Quốc và các doanh nghiệp gắn với các khoản nợ nói trên không chỉ có mối liên hệ duy nhất là Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc, mà còn có nhiều điểm trùng hợp bất ngờ về việc thay đổi cơ cấu nhân sự.
Chủ sở hữu dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc đang bị Agribank rao bán
D’Thiên Bảo Phú Quốc thuộc sở hữu của Công ty CP Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc. Siêu dự án 34ha có tổng mức đầu tư lên tới 24.000 tỷ đồng, được chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh khởi công ngày 29/12/2021.
Thiên Bảo Phú Quốc được chia nhỏ thành nhiều lô khác nhau và sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của những công ty liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tất cả được thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Năm 2022, sau khi bê bối trái phiếu của Chủ tịch Đỗ Anh Dũng nổ ra, Thiên Bảo Phú Quốc là 1 trong 5 dự án đầu tiên được Tân Hoàng Minh mang ra chào bán để thu xếp tiền trả nợ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh không thể tìm được đối tác nhận chuyển nhượng dự án này.
Sau đó, bốn khoản nợ liên quan đến Thiên Bảo Phú Quốc đã bị ngân hàng mang đi bán đấu giá để thu hồi nợ. Có những khoản nợ được Agribank “đại hạ giá” tới 3, 4 lần nhưng đến nay Thiên Bảo Phú vẫn “ế ẩm”.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Thiên Bảo Phú Quốc được thành lập ngày 28/5/2014. Vốn điều lệ ban đầu là 16 tỷ đồng, sau được tăng lên 220 tỷ đồng, góp bởi ông Lê Đức Thịnh và bà Nguyễn Thị Sơn, với tỷ lệ lần lượt là 40% và 60%. Ông Lê Đức Thịnh (sinh năm 1959) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) kiêm Giám đốc, cũng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Tháng 12/2018 công ty thay đổi cơ câu sở hữu, bà Nguyễn Thị Sơn giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 15%, ông Thịnh giảm xuống 10%; khi đó xuất hiện 2 cổ đông lớn mới là bà Bạch Tuyết Mai (60%) và bà Hoàng Thị Thu Hương (15%). Bà bạch Tuyết Mai lên làm Chủ tịch HĐQT.
Đến tháng 5/2019, hai cổ đông sáng lập doanh nghiệp bất ngờ rút lui, chuyển lại toàn bộ cổ phần cho Chủ tịch Bạch Tuyết Mai, nâng tỷ lệ sở hữu của bà Mai lên 85%.
Đầu năm 2021, Thiên Bảo Phú Quốc chuyển trụ sở chính về Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort 2, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều chuyển biến nhất của doanh nghiệp này.
Tháng 3/2021, doanh nghiệp có Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật mới là bà Trịnh Hồng Thúy (sinh năm 1961).
Tám tháng sau, bà Mai rời ghế Chủ tịch HĐQT, bà Phùng Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1990) lên thay. Bà Nhung cũng thay Tổng Giám đốc Trịnh Hồng Thuý trở thành người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Tháng 12/2021, Thiên Bảo Phú Quốc tăng vốn đột biến lên mức 1.500 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần số vốn 220 tỷ đồng trước đó. Đối chiếu với số tiền mà Tân Hoàng Minh đã chi là 1.475 tỷ đồng, có thể thấy qua lần tăng vốn này, Tân Hoàng Minh đã nắm tới 98,33% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Năm 2022, Thiên Bảo Phú Quốc có Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật mới là ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1970). Theo tìm hiểu, ông Hùng là người có liên quan đến Công ty CP Sao Đỏ Đà Nẵng - một trong số những doanh nghiệp mà Tân Hoàng Minh dùng tiền huy động trái phiếu trái phép để mua cổ phần. Cụ thể, tháng 7/2023, ông Hùng đã thế chấp tài sản của mình là 1,05 triệu cổ phần tại Sao Đỏ Đà Nẵng tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB).
Một sự trùng hợp bất ngờ là những thay đổi quan trọng về mặt nhân sự tại Công ty Thiên Bảo Phú Quốc và loạt doanh nghiệp mang Thiên Bảo Phú Quốc đi gán nợ đều diễn ra vào năm 2021 – năm khởi công xây dựng dự án.
Về doanh nghiệp sở hữu khoản nợ lớn nhất, Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng và Nội thất Thanh Xuân thành lập ngày 1/2/2018, số vốn điều lệ là 13 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà các loại.
Cổ đông sáng lập doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Mi (góp 9,23 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Xuân (góp 1,17 tỷ đồng), bà Trương Thị Diễm Hương (góp 1,17 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Mi (1990) là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Đến tháng 11/2021, chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật chuyển sang ông Đỗ Hoàng Việt – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – Đầu tư Kinh doanh và Dịch vụ Thương mại Hà Nội thành lập ngày 13/4/2013, hoạt động chính kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện theo pháp luật hiện tại là Giám đốc Nguyễn Hồng Linh (sinh năm 1986). Bà Hồng Linh bắt đầu đảm nhiệm vị trí này thay cho người tiền nhiệm Vương Thị Quế (sinh năm 1991) vào tháng 6/2021.
Đơn vị có nhiều mối liên hệ nhất với Công ty Thiên Bảo Phú Quốc có lẽ là Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Xuân Nam. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 22/5/2018 với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét. Thời điểm mới thành lập, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và chủ sở hữu doanh nghiệp là ông Dương Văn Cường (sinh năm 1989), sinh sống tại Khu tổ hợp du lịch Sonasea Vila & Resort, tổ 5, ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đến tháng 6/2021, khi ông Cường chuyển chức vụ Giám đốc và người đại diện theo pháp luật cho ông Lê Mạnh Dũng (sinh năm 1985), thông tin về chủ doanh nghiệp bất ngờ bị bỏ trống.
3 tháng sau, vào tháng 9/2021, bà Phùng Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1990) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay cho ông Lê Mạnh Dũng. Bà Nhung cũng chính là người được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc của Công ty Thiên Bảo Phú Quốc vào tháng 11/2021.
Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng & Dịch vụ Thương mại Hà Phương là doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ nhất với Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Doanh nghiệp thành lập ngày 13/5/2011, ngành nghề kinh doanh chính bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép.
Tháng 2/2018, chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của bà Bạch Thị Tám (sinh năm 1972) được chuyển giao cho người kế nhiệm là ông Bùi Văn Hưng (sinh năm 1999, khi đó mới 19 tuổi). Một tháng sau, ông Hưng cũng trở thành chủ doanh nghiệp thay bà Tám.
Tháng 6/2021, Công ty Hà Phương thay đổi nhân sự. Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện là ông Trần Hồng Sơn (sinh năm 1961) - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. Doanh nghiệp cũng cập nhật thêm các ngành nghề kinh doanh khác liên quan đến xây dựng. Tuy nhiên, thông tin về chủ doanh nghiệp bỏ trống.
Đến tháng 9/2021, ông Nguyễn Khoa Đức (sinh năm 1984) thay thế toàn bộ vai trò của ông Trần Hồng Sơn. Ông Nguyễn Khoa Đức là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông, cũng là đại diện pháp luật của một loạt các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh là Công ty CP ASA, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ LEONIS.
Ông Trần Hồng Sơn và Nguyễn Khoa Đức cũng là hai cái tên có mặt trong danh sách bị cáo của vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các pháp nhân do vị này làm đại diện là Soleil và Cung Điện Mùa Đông - hai trong số 3 công ty con huy động trái phiếu trái phép.