Vụ vỡ nợ nghìn tỷ GFDI, đầu tư thế nào để không 'sập bẫy'?

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, để không bị “sậy bẫy” khi tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải trang bị kiến thức và cần tham chiếu rộng các kênh, đơn cử như mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Phải có kiến thức về đầu tư

Vừa qua, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (trên đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) để đòi lại tiền sau khi nghe thông tin công ty ngừng hoạt động trên toàn hệ thống và chậm chi trả hợp đồng đầu tư của khách hàng.

Công an TP. Đà Nẵng bước đầu xác định GFDI xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”. Từ tháng 11/2023, công ty đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính. Để duy trì hoạt động, công ty đã “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Theo khách hàng của GFDI, thấy công ty trả lãi cao và luôn đúng hẹn nên nhiều người có được bao nhiêu tiền tích lũy, tiền dưỡng già, thậm chí là vay mượn đều “đổ” vào đây. Nhiều người còn rủ cả những người thân trong gia đình cùng tham gia đầu tư.

Công an TP. Đà Nẵng đọc lệnh khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI với sự chứng kiến của ông Nguyễn Quang Hoàng - Tổng Giám đốc công ty.  
Công an TP. Đà Nẵng đọc lệnh khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI với sự chứng kiến của ông Nguyễn Quang Hoàng - Tổng Giám đốc công ty.  

Liên quan đến vụ việc này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. HCM, cho hay để tránh bị lừa đảo khi tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải có những kiến thức cơ bản về đầu tư. Nếu mới tham gia vào thị trường, nhà đầu tư nên rót vốn vào những kênh uy tín. Ví dụ, nếu đầu tư vào công ty thì nên đầu tư trên sàn chứng khoán là an toàn nhất; nếu muốn ủy thác đầu tư, tức là đưa tiền cho công ty đi đầu tư, nhà đầu tư cũng chỉ nên ủy thác cho những quỹ đầu tư có uy tín trên thị trường, được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước và hoạt động đúng pháp luật của Việt Nam.

Còn đối với những loại hình thức góp vốn đầu tư như trường hợp của Công ty GFDI, đây là hành lừa đảo theo kiểu Ponzi tài chính – điều không mới trên thế giới và cả Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư bị lừa hết đợt này đến đợt khác cũng theo hình thức lừa đảo như vậy. Những tổ chức này thường cam kết trả lãi với lãi suất rất cao và đánh vào lòng tham của người dân, đặc biệt là những người không hiểu biết về đầu tư.

“Làm sao tiền tự ‘đẻ’ ra tiền được, họ kinh doanh cái gì mà có tỷ suất sinh lời cao như vậy. Những hình thức lừa đảo này là lấy của người sau trả cho người trước. Mô hình cứ nở ra như vậy và số lượng người tham gia sau phải lớn hơn người tham gia trước thì mô hình kim tự tháp mới duy trì được. Đến một lúc nào đó, kim tự tháp không nở ra được nữa, lượng người mới thấp hơn lượng người cũ thì mô hình đó sẽ sụp đổ”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Lý giải về việc mô hình lừa đảo không mới nhưng nhà đầu tư vẫn bị lừa, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư không có kiến thức về đầu tư, kể cả những người có kiến thức nhưng do thấy khoản lời nhiều quá, không suy nghĩ được một cách chín chắn, sợ bỏ lỡ mất cơ hội.

Vì vậy, để tránh “sập bẫy”, nhà đầu cần phải có những kiến thức về đầu tư, tức là phải tự trang bị cho mình những kiến thức, thậm chí là đi học những khóa học về tài chính, đương nhiên cũng cần tránh những khóa học “lùa gà”.

“Nhiều khóa học tài chính bây giờ có giá cả trăm triệu đồng và khuyến nghị đầu tư vào cái này, cái khác. Đó thực chất là những khóa học ‘lùa gà’. Nhà đầu tư nên học các khóa học chính thống của các trường đại học tổ chức, những đơn vị chính thống. Nhà đầu tư cũng chỉ nên đầu tư vào những kênh chính thống, tránh việc đầu tư theo kiểu có người kêu gọi, cam kết trả lại cao thì đầu tư. Đa số những cái đó đều là lừa đảo. Nếu mức lãi suất đầu tư quá cao so với mức bình quân của thị trường, khả năng cao là lừa đảo”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đưa ra lời khuyên.

Nên lấy lãi suất ngân hàng làm chuẩn

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, cho hay ngành ngân hàng có một hệ thống trải dài trên toàn quốc, với kinh nghiệm nhiều năm, hoạt động trên thị trường tiền tệ của cả nước và thiết lập một mặt bằng chung cho xã hội. Mức lãi suất mà ngân hàng đưa ra là phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, GDP, thu nhập đầu người… Tất cả các yếu tố kinh tế vĩ mô thể hiện trong lãi suất của ngân hàng. Với lãi suất như vậy, nền kinh tế chịu được, có thể làm ra được sản phẩm, làm ra được lợi nhuận để trả lãi. Đây là mức lãi suất định hướng cả thị trường.

Vậy nên khi người dân đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng phải quan tâm đến mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng. Đó là mức lãi suất chuẩn của thị trường và mọi người nên lấy chuẩn đấy để quyết định đầu tư hay không. “Người dân cũng không thể kỳ vọng mức lãi suất gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng vì điều đó không thực tế”, ông Võ Minh nhận định.

Khách hàng theo dõi diễn biến vụ việc công an khám xét trụ sở TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI.  
Khách hàng theo dõi diễn biến vụ việc công an khám xét trụ sở TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI.  

Ông Võ Minh lấy ví dụ, mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng hiện nay là 5%/năm, nếu có chỗ nào kêu gọi đầu tư 3%/năm, chắc chắn người dân không gửi mà để gửi ngân hàng lợi hơn. Nhưng ngược lại, có chỗ nào đó huy động vốn với lãi suất 50%/năm thì phải đặt dấu hỏi, họ làm cái gì ra lợi nhuận như vậy để trả cho mình. Để kiếm được lợi nhuận trả cho khách hàng 50% hoặc 40%, họ phải làm được 100%, mà trong bối cảnh kinh tế thế này, không ai có thể làm được như vậy.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, lâu nay, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo rất nhiều lần về tình trạng này, rất tiếc đôi khi người dân không để ý hoặc vì lý do gì đó vẫn tiếp tục đầu tư.

Để quản lý những công ty tài chính huy động lãi suất lớn như GFDI, ông Võ Minh cho rằng hệ thống luật pháp cần có những điều chỉnh, đưa thêm những quy định cụ thể hơn. Ví dụ, các công ty huy động vốn như vậy thì phải có cơ quan nào kiểm soát...

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật ATG, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng, cho hay có nhiều lỗ hổng pháp lý trong quản lý và giám sát các công ty huy động vốn dẫn đến việc 7.500 khách hàng của GFDI có nguy cơ mất trắng tiền. Ví dụ như thiếu quy định chặt chẽ về huy động vốn cá nhân, mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định về việc huy động vốn và lãi suất tối đa (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), nhưng một số công ty vẫn lách luật bằng cách sử dụng "hợp đồng vay tài sản" như một hình thức huy động vốn. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát các công ty đưa ra lãi suất bất thường.

Bên cạnh đó là việc thiếu giám sát về tính hợp pháp của các mô hình kinh doanh tài chính; lỗ hổng trong công tác kiểm tra tài chính và năng lực của công ty; thiếu cơ chế bảo vệ và cảnh báo cho nhà đầu tư cá nhân; khung xử lý hành vi lừa đảo tài chính chưa đủ mạnh, việc hoàn trả tài sản mất nhiều thời gian và không đảm bảo khả năng thu hồi tiền đã mất...

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance