Vua thép tự tin vượt Formosa, ông Nguyễn Đăng Quang đột phá
Vua thép Trần Đình Long tự tin vượt Formosa, ông Nguyễn Đăng Quang trở lại làm tỷ phú USD... là tin tức nổi bật trong tuần.
Vua thép Trần Đình Long tự tin vượt Formosa
Tại cuộc họp với nhà đầu tư ngày 15/5, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ nhiều mục tiêu tham vọng. Hòa Phát dự kiến đặt mục tiêu doanh thu năm nay 85.000-95.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000-10.000 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành kế hoạch trên, “vua thép” sẽ gia nhập câu lạc bộ lãi ròng 10.000 tỷ. Năm 2019, chỉ có 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỷ gồm Vinhomes, Vietcombank, PV Gas, Vinamilk, Techcombank.
Lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, vượt qua Formosa. Để phục vụ mục tiêu này, Hòa Phát cần nhập 12-13 triệu tấn quặng.
Hiện cảng Hòa Phát Dung Quất đã đạt tiến độ xây dựng 95%, có thể đoán được tàu 200.000 tấn đầu tiên vào tháng 6 tới. Với lợi thế sở hữu cảng biển nước sâu có thể đón tàu lớn, Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi, Australia mà không cần qua các cảng biển trung chuyển. Nhờ đó, "vua thép" có thể tiết kiệm chi phí đáng kể, gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Thaco muốn tăng sở hữu tại công ty bầu Đức
Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa đăng ký mua thêm 25,87 triệu cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) để tăng tỷ lệ sở hữu.
Mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu của Thaco lần này là để đầu tư tài chính. Dự kiến, thời gian mua sẽ diễn ra từ 19/5 tới hết 18/6.
Trong cơ cấu cổ đông của HAGL Agrico, Thaco đang là cổ đông lớn thứ 2 nắm giữ trực tiếp hơn 291,3 triệu cổ phiếu, tương đương 26,29% vốn. Nếu mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký đợt này, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty nông nghiệp của bầu Đức lên 28,62%.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HNG đang có xu hướng tăng mạnh trong 1 tháng gần nhất, hiện giao dịch ở mức 14.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 15/5). So với 1 tháng trước đó, cổ phiếu này đã tăng gần 15% thị giá.
Tạm tính, để mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký nói trên, doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương sẽ phải chi ra ít nhất 360 tỷ đồng.
Hiện tổng tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức có liên quan tới ông Trần Bá Dương tại HAGL Agrico hiện vào khoảng 35%.
HAGL Agrico là doanh nghiệp trung tâm trong mối quan hệ hợp tác giữa tỷ phú Trần Bá Dương và bầu Đức.
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại là “tỷ phú USD”
Tuy không còn góp mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song tài sản ông Nguyễn Đăng Quang hiện đã về ngưỡng “tỷ đô” và ông chủ Masan tiếp tục là "tỷ phú USD" của Việt Nam.
Theo Forbes, tính tới cuối phiên giao dịch 14/5, tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1,1 tỷ USD nhờ cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.
Trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu MSN tăng 3,2% lên 63.900 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu MSN đã tăng khoảng 60% từ mức 40 ngàn đồng/cp lên mức hiện tại.
Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của doanh nghiệp này ghi nhận những kết quả tốt bất chấp đại dịch, trong khi đó mảng bán lẻ (vừa nhận chuyển nhượng từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt những kết quả ban đầu khá tốt.
Theo báo cáo vừa công bố, trong quý 1, doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó.
Masan cũng vừa công bố thông tin bán thành công 30 triệu trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10% cho năm đầu thu về 3 ngàn tỷ đồng.
Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Masan có vốn hóa thị trường đạt gần 74,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).
Gia đình ông Hạnh Nguyễn sắp nhận hơn 90 tỷ tiền mặt
HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) mới đây thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cổ phiếu). Thời gian dự kiến chi trả trong tháng 6.
Với 133,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Sasco chi ra để trả cổ tức cho cổ đông sắp tới ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Cơ cấu sở hữu tại Sasco rất cô đặc với 2 nhóm cổ đông chính. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất sở hữu 49% vốn. Nhóm cổ đông gồm 3 công ty của gia đình Chủ tịch HĐQT Hạnh Nguyễn chiếm 45% cổ phần.
Như vậy, trong đợt chia cổ tức vào tháng tới, số tiền ACV nhận về dự kiến khoảng 98 tỷ đồng trong khi gia đình ông Hạnh Nguyễn ước tính nhận hơn 90 tỷ đồng.
Trước đó, Sasco đã tạm ứng cổ tứng đợt 1 vào cuối năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (800 đồng/cổ phiếu). Như vậy, tổng cộng Sasco chia cổ tức tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 23% (2.300 đồng/cổ phiếu). Đây là một trong những doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định nhiều năm qua.
Năm 2019, tổng doanh thu thuần của công ty do ông Hạnh Nguyễn làm chủ tịch đạt 3.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 370 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quý I vừa qua, Sasco chỉ báo lãi ròng 16 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp kỷ lục của Sasco từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2015.
Theo Minh Thái/Báo Đất Việt
Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/vua-thep-tu-tin-vuot-formosa-ong-nguyen-dang-quang-dot-pha-3403183/