10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM

Năm 2022 đánh dấu sự nỗ lực của TP. HCM trong vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Những biến động trên thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản... cũng thể hiện rõ nét tại địa phương này.

 

10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM - Ảnh 1Năm 2022 đánh dấu sự nỗ lực của TP. HCM trong vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước (ảnh minh họa)

1. TP. HCM thu ngân sách kỷ lục 457.500 tỷ đồng

Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu, thu nội địa ước 294.500 tỷ đồng; thu từ dầu thô ước 25.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 138.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, tổng dự toán thu ngân sách nhà nước là 469.682 tỷ đồng, tăng 21,5% so với dự toán năm 2022 và tăng 2,66% so với ước thực hiện năm qua. Trong cơ cấu thu, đáng chú ý thu từ dầu thô dự toán là 16.000 tỷ đồng, giảm 36% so với ước thực hiện năm 2022 (25.000 tỷ đồng).

10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM - Ảnh 2

Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS) cũng đánh giá bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều yếu tố bất định, tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nhiều thị trường lớn có xu hướng thu hẹp, rủi ro tài chính, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế, các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế chung thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023.

Viện này đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho TP. HCM trong năm 2023. Theo đó, kịch bản cơ sở tăng trưởng sẽ đạt ở mức 7,5%, dự báo khoảng là 6,94-8,1%; kịch bản bất lợi đạt 7,03%, dự báo khoảng là 6,47-7,59%; kịch bản thuận lợi tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8,08%, trong khoảng dự báo 7,52-8,64%.

Kịch bản cơ sở là kịch bản nhiều khả năng thành phố sẽ đạt được. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt trong khoảng 6,94-8,1%, dự báo điểm là 7,5%, theo dữ liệu từ HIDS.

2. Khởi công dự án Vành đai 3 TP. HCM, động lực mới phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 24/9, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP. HCM.

Có tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, tuyến Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tuyến đi qua.

Dự án còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, tăng cường kết nối và phát triển đô thị vệ tinh các khu vực lân cận; giảm ùn tắc giao thông tại TP. HCM; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

Nếu như đường Vành đai 2 đang khép kín mang tính chất giao thông nội đô TP. HCM thì đường Vành đai 3 kết nối các đô thị vệ tinh, các đô thị của các tỉnh trong vùng cả đông tây nam bắc của TP. HCM như kết nối TP. HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An. Một tuyến giao thông mà tất cả các phương tiện giao thông muốn đi và đến TP. HCM đều có thể đi qua đường này. Từ đây muốn đi Vũng Tàu, Mộc Bài (Tây Ninh), Bình Phước về ĐBSCL đều nhanh và thuận lợi.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 76,3 km, đi qua địa bàn TP. HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Điểm đầu là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km38+500 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km0+000 (huyện Bến Lức, Long An).

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 41.589 tỷ đồng; chi phí xây lắp và thiết bị là 25.945 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.

3. Thông xe cầu Thủ Thiêm 2, ‘thúc’ tăng trưởng kinh tế đôi bờ sông Sài Gòn

Cầu Thủ Thiêm 2 chính thức thông xe ngày 28/4, góp phần phát triển bền vững TP. HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án trọng điểm của TP, dự kiến hoàn thành cầu chính vào cuối năm 2021 và đưa vào sử dụng vào quý II-2022. Công trình dài hơn 1,4km, trong đó, phần cầu dài 886m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113m. Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM - Ảnh 3

Được động thổ từ năm 2015, Dự án dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vốn nên liên tục lỗi hẹn. Nhà đầu tư khi đó đã phải kiến nghị thành phố việc dời thời hạn hoàn thành công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm đến năm 2023.

Ngoài vướng mặt bằng, Dự án còn gặp khó khăn trong thủ tục thanh toán. Theo hợp đồng BT giữa TP. HCM và nhà đầu tư, công trình có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng. Thành phố thanh toán cho nhà đầu tư 13,6 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm để triển khai dự án khác đồng thời với dự án BT. Theo cơ chế này, kinh phí đầu tư cầu Thủ Thiêm 2 sau đó giảm xuống còn hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Nhà đầu tư, do chậm trễ các thủ tục liên quan đến đất đai nên ngân hàng tài trợ vốn từ chối giải ngân tiếp cho dự án theo cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ hoàn thành dự án.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành đã kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị TP. HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội TP. Thủ Đức nói riêng và TP. HCM nói chung.

4. Chính thức chạy thử tuyến Metro số 1, đáp ứng mong mỏi người dân thành phố sau hơn 10 năm khởi công

Sáng 21/12, tuyến Metro số 1 chính tức chạy thử nghiệm với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo TP, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật bản tại Việt Nam và người dân TP.

Kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. HCM, Dự án sẽ không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ giao thông quan trong phía Đông TP mà còn là khởi đầu tốt đẹp cho 7 tuyến Metro còn lại.

Tuy nhiên, hơn 14 năm phê duyệt, 10 năm triển khai, Dự án đã phải vượt qua nhiều điểm “sóng gió” như: phê duyệt tăng vốn “khủng”, biến động nhân sự quản lý, sự cố kỹ thuật…

Cụ thể, Dự án được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và dự kiến tới năm 2028 mới kết thúc dự án, đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng; liên tục gặp khó khăn về vốn trong quá trình triển khai, khiến TP nhiều lần phải tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên... Đỉnh điểm, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP. HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.

Các sự cố rơi, trượt gối cầu cao su sau 2 năm xảy ra, kể từ tháng 10/2020 đến nay vẫn dừng lại ở báo cáo nguyên nhân sơ bộ ít nhiều đã tạo tâm lý tiêu cực cho người dân.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải làm lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro 1, số 2, 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành xây dựng được gia hạn nhiều lần. Gần đây nhất được xác định là cuối năm 2023 sẽ đưa vào vận hành toàn tuyến.

Thiếu kinh phí hoạt động đã gây khó khăn cho đời sống người lao động, cán bộ quản lý… tại Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (đơn vị chuẩn bị nhân sự, công tác vận hành tuyến metro số 1)

Với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, Dự án có chiều dài toàn tuyến là 19,7km, trong đó có 17,1km ở trên cao, 2,4km đoạn còn lại đi ngầm; có 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thiết kế mỗi đoàn gồm 3 toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng.

5. Bắt tỷ phú Trương Mỹ Lan, hàng loạt doanh nghiệp dính líu

Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Cơ quan chức năng đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật.

10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM - Ảnh 4

Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Liên quan đến vụ án lừa đảo trên, Bộ Công an đã khởi tố thêm 27 bị can. Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.

6. Phiên tòa kỷ lục hơn 4.000 bị hại trong vụ Địa ốc Alibaba

Sau nhiều tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án nhân dân TP. HCM quyết định đưa vụ án Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền, từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.

Đây là vụ án ‘phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay’ như: hồ sơ gồm cả triệu bút lục, được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó gần 4.000 bị hại và 100 người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập (theo quyết định đưa ra xét xử)...

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2016, Luyện thành lập Công ty địa ốc Alibaba với vốn điều lệ một tỷ đồng. Trong hai năm, công ty thay đổi vốn thêm hai lần lên mức 1.600 tỷ đồng, song thực tế số vốn này chỉ tăng trên giấy tờ. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản "ma".

Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người. Thực tế, các công ty này không hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu độc lập.

Toàn bộ dự án dân cư được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ đoạn này, Chủ tịch địa ốc Alibaba và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 người tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.

7. Vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, gây hệ lụy cho thị trường bất động sản

Ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM tổ chức bán đấu giá lần lượt 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất 3-12. Thời điểm đó, Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất với số tiền 24.500 tỷ đồng, hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Đây cũng là mức giá đất cao nhất tại TP. HCM và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.

10 sự kiện lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP. HCM - Ảnh 5

Tiếp đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8, có diện tích 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5, có diện tích 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 11/1/2022, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu trước đó với giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Sau Tân Hoàng Minh, lần lượt sau đó cả 3 doanh nghiệp  kể trên đều bỏ cọc mặc dù không ít lần cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá. Sau khi 4 doanh nghiệp bỏ cọc thì các lô đất này được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM quản lý.

Bốn doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất Thủ Thiêm mất cọc hơn 1.051 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Sheen Mega tiền đặt cọc hơn 203,75 tỷ đồng. Công ty cổ phần Dream Republic mất cọc 115,6 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt mất cọc hơn 588 tỷ đồng và Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh mất cọc hơn 145 tỷ đồng.

8. Những lùm xùm liên quan đến ngân hàng

Tuần đầu tháng 10/2022, đã xuất hiện những tin đồn tiêu cực xoay quanh Ngân hàng SCB, dẫn đến việc người dân làm thủ tục rút tiền trước hạn tại, gây ra tình trạng tê liệt cục bộ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước.

Trước những vấn đề liên quan hoạt động của Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản. NHNN cũng đã ra quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Sau chỉ đạo của thành phố, ngày 7/11, SCB cũng lần đầu tiên tổ chức buổi làm việc trực tiếp với một số khách hàng mua trái phiếu của Công ty An Đông thông qua ngân hàng.

Tại cuộc họp với người dân, lãnh đạo SCB cho biết ngân hàng không chủ trương chỉ đạo cán bộ nhân viên tư vấn sai lệch cho khách hàng. Tuy nhiên, SCB cũng khẳng định "ngân hàng không vô can trong vấn đề liên quan đến trái phiếu của khách hàng". Do đó, ngân hàng cam kết cùng phối hợp với Công ty chứng khoán Tân Việt, tổ chức phát hành, các cơ quan chức năng có liên quan để đồng hành cùng với người dân.

9. TP. HCM đề ra lộ trình phát triển thành trung tâm tài chính toàn cầu

Với chủ lực là 2 khu vực Thủ Thiêm và quận 1, TP. HCM đề ra lộ trình phát triển thành trung tâm tài chính toàn cầu. Theo đó, trước năm 2025, TP. HCM sẽ nâng hạng thành trung tâm tài chính quốc tế trong xếp hạng chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index -GFCI). Giai đoạn này, TP. HCM bước đầu định hình Khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm.

Từ năm 2026 đến 2030, TP. HCM đặt mục tiêu là một trung tâm tài chính quốc tế có thứ hạng cao ở châu Á. Trong đó, Khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm trở thành cụm ngành tài chính về fintech gắn với hệ thống ngân hàng, dịch vụ quản lý đầu tư - tài sản gắn với thị trường vốn và giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới.

Trong dài hạn từ năm 2031 trở đi, TP. HCM sẽ nỗ lực đạt thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính toàn cầu, tiếp tục lộ trình hội nhập tài chính trên cơ sở tự do hóa đồng Việt Nam và tự do hóa tài khoản vốn. Lúc này, Khu tài chính quận 1 và Thủ Thiêm sẽ trở thành cụm tài chính về ngân hàng và fintech với các giao dịch mang tính toàn cầu.

Theo đánh giá của Viện Kinh tế TP. HCM, hiện nay, TP. HCM đang là trung tâm tài chính quốc gia và có vị trí trung bình trong ASEAN. Nếu xét về thị trường tiền tệ thì TP. HCM đóng góp 58% nhưng về thị trường vốn (kể cả chứng khoán vốn, chứng khoán nợ) thì thành phố đóng góp tới 95%.

10. Đón nguồn kiều hối "khủng" 6,8 tỷ USD bất chấp thị trường tiền tệ toàn cầu bất ổn

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về thành phố ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, nếu xem kiều hối là nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội thì nguồn vốn này có đặc điểm khác biệt đó là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời, đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả.

Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hiện nay trên địa bàn thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%. Nếu so với nguồn thu ngân sách thành phố (năm 2022 là 457.500 tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trong năm 6,8 tỷ USD (khoảng 164.000 tỷ đồng) là nguồn thu không nhỏ, mang lại nguồn vốn lớn cho các hoạt động kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, lượng kiều hối dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm 2022 và trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, do vậy góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.

Nguồn kiều hối chảy về Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Úc, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Là một trong tâm kinh tế lớn của cả nước nên TP. HCM luôn là nơi thu hút lớn nhất nguồn kiều hối đổ về. Để chuẩn bị mùa cao điểm kiều hối cuối năm, nhiều ngân hàng, công ty kiều hối đang bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại thu hút lượng kiều hối chảy về.

Trần Khánh Hà

Theo VietnamFinance