10 sự kiện tài chính nổi bật năm 2022

Trong năm 2022, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật về chính sách cũng như những sai phạm gây "rúng động" và ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư.

Cảnh báo "sập bẫy" vào sàn chứng khoán quốc tế mất hàng tỷ đồng

Ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP

Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Nghị định 65 sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Nghị định cũng bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Thông qua Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

Ngày 16/6/2022, Luật Kinh doanh Bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã được Quốc hội khoá XV thông qua, bao gồm 7 chương, 157 điều, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Một trong những điểm mới của Luật Kinh doanh Bảo hiểm là khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng.

Không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán xuống T+2

Ngày 19/8/2022, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD thay thế quy chế hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 211/QĐ-VSD ngày 18/12/2015; Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế thành viên lưu ký tại VSD thay thế quy chế thành viên lưu ký ban hành kèm theo Quyết định số 112/QĐ-VSD ngày 23/8/2021.

Hai quy chế mới được ban hành để đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảm đảm), nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.

Ngoài ra, quy chế mới còn có một số nội dung thay đổi khác. Thứ nhất là thời gian ngân hàng thanh toán (NHTT) hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00).

Thứ hai, thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi NHTT hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h ngày thanh toán; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.

Thứ ba, bổ sung một số trường hợp xử lý vi phạm do vi phạm quy định Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán để tăng cường quản lý rủi ro từ việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố vì thao túng chứng khoán

Ngày 29/3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Theo Bộ Công an, ngay sau việc Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, Cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART) và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Được biết, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu ngày 10/1/2022, tức tăng 64% sau khoảng thời gian ngắn.

Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Sau vụ thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, đến ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan.

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định, trong thời gian từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Louis Holdings, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Louis Capital và Công ty Cổ phần Louis Land đã thông đồng với ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật.

Số tiền thu lợi bất chính theo đó lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội “Thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Các cá nhân này bao gồm ông Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam như đã nêu trên. Ngoài ra còn có bà Trịnh Thị Thuý Linh, Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Louis Holding; bà Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.

Theo kết luận đề nghị truy tố các bị can nêu trên được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố hồi tháng 9 vừa qua, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lợi bất chính hơn 153 tỷ đồng. Với các mã chứng khoán khác là AGM, SMT, VKC, DDV, APG, LDP, ông Nhân khai mua các cổ phiếu này để sở hữu, thâu tóm công ty chứ không thực hiện thao túng.

Ông Nam bị xác định phê duyệt cho ông Nhân vay vốn và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện thao túng chứng khoán, giúp ông Nhân thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng. Ông Nam còn lợi dụng việc cho Louis Holding vay tiền mua bán, thao túng giá cổ phiếu để yêu cầu ông Nhân chi hoa hồng ngoài hợp đồng 500 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Nam còn sử dụng tên người môi giới chứng khoán quản lý nhóm khách hàng của ông Nhân để thu phí hoa hồng bất hợp pháp. Từ đó, ông Nam đã thu lợi bất chính hơn 1.668 tỷ đồng.

Bắt loạt lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu

Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) cho biết cơ quan này đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Các đối tượng bao gồm: Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh;…

Đến ngày 8/10, Cơ quan Cảnh điều tra Bộ Công an tiếp tục cho biết, đơn vị này đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.

Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, gồm 2 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 9/2018, kỳ hạn trả lãi lần lượt là 3 tháng và 6 tháng, đáo hạn ngày 10/9/2023 với tổng giá trị phát hành gần 15.000 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2019, Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành một lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng và đáo hạn vào ngày 22/1/2024.

Giai đoạn 2018 - 2020, Tập đoàn Đầu tư An Đông đã trả lãi trái phiếu tổng cộng hơn 2.800 tỷ đồng cho cả 3 lô trái phiếu.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 “đóng băng”

Sau các vụ việc gây xôn xao về các sai phạm trong huy động trái phiếu, thị trường trái phiếu đã có một năm khá ảm đạm và gần như đóng băng trong những tháng cuối năm.

Tính đến ngày 16/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021 và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Cùng với đó, thị trường xuất hiện một làn sóng rút tiền khỏi các quỹ trái phiếu. Theo thống kê của Techcom Capital, từ tháng 9/2022 đến ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam đã bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng. Tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện có những khó khăn cụ thể như: khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên theo Bộ Tài chính là do sai phạm của một số doanh nghiệp khi bị cơ quan điều tra phát hiện và một số tin không chính thống, tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; thanh khoản của cả nên kinh tế đang gặp khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền; lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.

Ngày 23/11, Bộ Tài chính cùng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, sau khi lắng nghe các chủ thể tham gia thị trường, công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội trái phiếu nêu ra những khó khăn vướng mắc của thị trường liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, các thanh khoản cũng như khó khăn về mặt pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.

HoSE chính thức triển khai giao dịch chứng khoán lô lẻ

Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã chính thức triển khai giao dịch chứng khoán lô lẻ từ ngày 12/9/2022.

Đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ, nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán.

Cơ quan này cũng đưa ra các lưu ý khi giao dịch lô lẻ với nhà đầu tư. Cụ thể, HoSE cho biết giao dịch chứng khoán lô lẻ (từ 1 đến 99 chứng khoán) được áp dụng đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF và chứng quyền. Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ qua công ty chứng khoán tương tư như giao dịch chứng khoán lô chẵn.

Đáng chú ý, nhà đầu tư cần đặt lệnh giao dịch sao cho thỏa mãn quy định về đơn vị giao dịch chứng khoán lô chẵn và giao dịch chứng khoán lô lẻ. Ví dụ với trường hợp muốn bán 109 cổ phiếu ABC, nhà đầu tư có thể đặt 2 lệnh bán: Lệnh bán 100 cổ phiếu ABC theo phương thức thông thường và lệnh bán 9 cổ phiếu ABC theo phương thức lô lẻ.

Quy định về bước giá, đơn vị yết giá và biên độ dao động giá đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ tương tư như giao dịch chứng khoán lô chẵn.

Nhà đầu tư chỉ được sử dụng lệnh giới hạn đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ. Việc sửa, hủy lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy tắc tương tự như giao dịch chứng khoán lô chẵn.

"Giao dịch chứng khoán lô lẻ hoàn toàn tách biệt với giao dịch chứng khoán lô chẵn, các lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ chỉ được khớp với nhau và không được khớp với lệnh chứng khoán lô chẵn", phía HoSE nhấn mạnh.

Theo HoSE, nhà đầu tư không được giao dịch chứng khoán lô lẻ trong ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán mới niêm yết. Bên cạnh đó, thời gian thanh toán đối với chứng khoán giao dịch lô lẻ tương tự như chứng khoán giao dịch lô chẵn.

Đặc biệt, giá khớp của chứng khoán giao dịch lô lẻ không được sử dụng để tính chỉ số. Nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch chứng khoán lô lẻ. Các quy định giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ tương tự như giao dịch chứng khoán lô chẵn.

Cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng

Vào tháng 5/2022, Bộ Tài chính đã quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với ông Trần Văn Dũng do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.

Trong hai ngày 16 và 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung. Trong đó, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 13 về việc xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan đến những vi phạm Đảng ủy Cơ quan UBCKNN.

Theo đó, ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch UBCKNN đã bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Sau khi có kết luận kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 817/QĐ-BTC ngày 19/5/2022 quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBCKNN đối với ông Trần Văn Dũng do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.

Trong thời gian xem xét, kiện toàn nhân sự Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể từ ngày 19/5/2022.

Đến tháng 8/2022, Văn phòng Bộ Tài chính đã có quyết định về việc phân công công tác mới cho ông Trần Văn Dũng. Theo đề nghị của Phòng Tổng hợp - Thư ký, Phòng Báo chí - Tuyên truyền và căn cứ các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Chánh văn phòng Bộ Tài chính đã quyết định phân công ông Trần Văn Dũng, chuyên viên cao cấp đến nhận công tác tại Phòng Báo chí - Tuyên truyền.

Buộc thôi việc, khai trừ khỏi Đảng Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà

Tháng 5/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-HĐTV về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Hải Trà.

Theo đó, HoSE quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác.

Theo kết luận kỳ họp thứ 15 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã quyết định khai trừ khỏi Đảng ông Lê Hải Trà.

Ông Lê Hải Trà được giao phụ trách ban điều hành HoSE từ tháng 11/2016, đến tháng 7/2017 được giao vai trò thành viên phụ trách HĐQT HoSE và chính thức được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc HoSE từ ngày 26/2/2021.

Được biết, ông Trà sinh năm 1974, lấy bằng thạc sĩ Quản lý công (MPA) với chuyên ngành kép Lãnh đạo và Phân tích thị trường tài chính tại trường Harvard Kenedy, Mỹ.

Ông cũng từng nhận được học bổng Hubert H. Humphrey danh tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị Chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston năm 2003.

Hàng loạt lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cho biết Công ty Chứng khoán SSI đã bán giải chấp hơn 3,5 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Đạt trong giao dịch ngày ngày 21/12.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đạt tại Phát Đạt giảm từ 43,48% vốn điều lệ (tương đương 292 triệu cổ phiếu) còn 42,95% vốn điều lệ (tương đương 288,5 triệu cổ phiếu).

Trước đó, trong giao dịch từ ngày 1 - 2/12, một công ty chứng khoán đã bán tổng cộng 1,36 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Đạt. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của ông Đạt giảm từ 43,68% xuống 43,48% vốn điều lệ.

Trong giai đoạn từ ngày 22/11 - 29/11, các công ty chứng khoán cũng bán giải chấp tổng cộng gần 38,9 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt, số tài khoản giao dịch được mở tại Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chứng khoán Agriseco, Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), Chứng khoán Shinhan, Chứng khoán Yuanta và Chứng khoán Tân Việt.

Không chỉ ông Nguyễn Văn Đạt, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn khác cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu. Đơn cử như ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) mới đây cũng bị bán giải chấp 295.500 cổ phiếu HPX, đưa số lượng nắm giữ của ông xuống còn hơn 69,5 triệu đơn vị. Trong 2 ngày 8 và 9/12, ông Đỗ Quý Hải tiếp tục bị bán giải chấp 4,15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu về 22,88% vốn điều lệ.

Nếu tính từ ngày 28/11 đến ngày 9/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp hơn 66,2 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 21,8% vốn điều lệ tại Hải Phát Invest.

Lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) cũng trong trường hợp tương tự. Cụ thể, bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NVL mới đây cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu NVL, giảm số lượng nắm giữ từ 83,4 triệu đơn vị xuống còn hơn 54,3 triệu đơn vị.

Không chỉ lãnh đạo, NovaGroup, cổ đông lớn nhất của Novaland cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 40 triệu cổ phiếu NVL trong phiên 30/11.

Hải Đường

Theo VietnamFinance