19 doanh nghiệp FDI kêu khó, Tiền Giang giải thích

Theo phía Tiền Giang, thời điểm đưa ra quyết định buộc doanh nghiệp thực hiện

19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang (đang sử dụng 69.730 lao động) vừa gửi thư đến Thủ tướng vào ngày 19/10, cầu cứu về việc tỉnh này vẫn có nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp, người lao động.

Theo đó, các doanh nghiệp này cho biết hiện đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có.

Hiện 80% người lao động dù đã được tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày vẫn chưa được quay trở lại nhà máy. Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang phải 100% người lao động tiêm mũi 2 vaccine đủ 14 ngày và người nhà được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này thông tin từ ngày 1/10 có viết thư kêu cứu gửi đến chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào. Chính quyền vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường – 2 điểm đến" làm trọng tâm. Việc này gây không ít khó khăn cho người lao động và lãng phí tài chính của doanh nghiệp.

Cộng đồng 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang vừa gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.  
Cộng đồng 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang vừa gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.  

Để cứu những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng mua nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng, 19 doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng xem xét 5 vấn đề, gồm:

Thứ nhất, không bắt buộc nhà máy sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 địa điểm".

Thứ hai, cho người lao động đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp - trung bình - cao) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được dùng xe cá nhân và xe đưa đón để quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch tại đơn vị.

Thứ ba, không giới hạn thời gian được ra ngoài với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Hiện tỉnh Tiền Giang yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h hôm sau.

Thứ tư, cho phép doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động vào ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ năm, cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.

Liên quan đến vấn đề của các doanh nghiệp, tại cuộc họp báo ngày 21/10 do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức nhằm thông tin tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh,  ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết thời điểm đưa ra quyết định này, độ phủ vaccine cho công nhân rất thấp chỉ khoảng 45%.

"Việc áp dụng sản xuất 3 tại chỗ là để xử lý tình huống khi độ phủ vaccine còn thấp. Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe của công nhân, của cộng đồng được vì hiện nay nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất cao.

Hiện nay độ phủ vaccine mũi một cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh và đạt gần 100% với khoảng 109.000 công nhân. Tuy nhiên, do mới được phân bổ vaccine và triển khai tiêm ngừa nên hiện nay vẫn chưa đủ 14 ngày theo quy định", ông Trường nói.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, không chỉ có Tiền Giang, ngày 20/10, Cổng TTĐT Chính phủ cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh này vẫn thực hiện “ngăn sông cấm chợ” như chưa hề có Nghị quyết 128/NQ-CP.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt