Gần 90% doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực bởi Covid-19
Đây chỉ là một trong nhiều thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo
Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” là kết quả hợp tác giữa VCCI và WB trong năm 2020 nhằm nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch cũng như đánh giá của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nghiên cứu của WB và VCCI được tiến hành theo hình thức khảo sát chọn mẫu, với phản hồi từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cuộc khảo sát được lồng ghép vào điều tra thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một điều tra chọn mẫu thường niên có quy mô lớn nhất Việt Nam do VCCI triển khai với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay.
Trình bày báo tại sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng nay, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp FDI lớn nhất ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ, với 89,3% cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn/hoàn toàn tiêu cực. Doanh nghiệp FDI ở quy mô lớn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với con số 88%. Tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ thấp hơn một chút, lần lượt ở mức 87,3% và 87,2%.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bao gồm May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực thấp nhất, song vẫn xung quanh mức 80%, như: Bất động sản (76%), Khai khoáng (80%) và Dịch vụ khác (81%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Một số nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mức ảnh hưởng phần lớn/hoàn toàn tiêu cực ít hơn cả, bao gồm: Sản xuất chế biến giấy (76%), Tài chính, bảo hiểm (80%) và Sản xuất chế biến cao su, nhựa (82%).
“Kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI ở 21 tỉnh, thành phố - nơi có mật độ doanh nghiệp FDI đủ lớn để tiến hành điều tra cho thấy những nơi có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%). Nơi có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực ít hơn cả là Bến Tre, Đắk Lắk (75%) và Ninh Thuận (77%), dù vậy đây vẫn là những con số ở mức rất cao”, Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin.
Ảnh hưởng của Covid-19 tới doanh nghiệp là khá đa diện
Với những doanh nghiệp đã lựa chọn mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 là phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực, nhóm nghiên cứu đề nghị những doanh nghiệp này cho biết thêm dịch Covid-19 đã ảnh hưởng cụ thể về những phương diện nào. Một loạt vấn đề được nêu, như về chuỗi cung ứng, tiếp cận khách hàng, tới nhân công/người lao động và dòng tiền.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp là khá đa diện. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công/người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Một số doanh nghiệp cho biết còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang/sẽ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít ddoanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số đáng kể các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Theo khu vực kinh tế, kết quả khảo sát cho thấy: Với các doanh nghiệp tư nhân, 50% gặp khó khăn về tiếp cận khách hàng và 46% phải đối mặt với vấn đề về dòng tiền. 38% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng về lực lượng lao động và 33% là về chuỗi cung ứng. Đối với các doanh nghiệp FDI, những khó khăn chính lớn cũng là về tiếp cận khách hàng (63%) và dòng tiền (42%). Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và về lực lượng lao động lần lượt là 41% và 34%.
Dữ liệu thu được có thể giúp đánh giá những tác động cụ thể của dịch Covid-19 theo quy mô của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân, khó khăn chính vẫn liên quan tới tiếp cận khách hàng, ngoại trừ nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ thì dòng tiền là khó khăn lớn nhất. Quy mô doanh nghiệp gia tăng, thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và về lực lượng lao động cũng gia tăng.
Xu hướng tương tự cũng quan sát được đối với các doanh nghiệp FDI. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI ở các nhóm quy mô khác nhau đều liên quan tới trở ngại trong tiếp cận khách hàng. Khi quy mô doanh nghiệp gia tăng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về chuỗi cung ứng vàvề lực lượng lao động cũng gia tăng.
Lao động doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo ông Đậu Anh Tuấn, khảo sát 2020 có đề nghị doanh nghiệp cho biết số lượng người lao động mà doanh nghiệp đã phải cho nghỉ việc do tình hình kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid-19. Theo đó, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Dù tác động của dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn có một bộ phận đáng kể doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động.
"Việc thực hiện biện pháp cho người lao động nghỉ việc do tình kinh kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid-19 là điều mà một bộ phận doanh nghiệp phải làm, song có sự khác biệt nhất định theo quy mô và khu vực kinh tế. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải thực hiện biện pháp này, cao đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Một số ngành sản xuất có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc do dịch Covid-19 ở mức cao. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, những nhóm ngành sản xuất có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc cao nhất là thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Với các doanh nghiệp FDI, các nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp này bao gồm thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.
Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải cho người lao động nghỉ việc cao nhất (28%). Đây cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân phải cho người lao động nghỉ việc cao thứ hai (37%), chỉ sau khu vực Miền núi phía Bắc (43%). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc ít nhất, song cũng có tới 29% doanh nghiệp tư nhân và 14% doanh nghiệp FDI buộc phải thực hiện biện pháp này do tình hình kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid-19.
Số lượng lao động phải cho nghỉ việc ở mỗi doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 theo khu vực kinh tế được tính toán từ số liệu các doanh nghiệp có cung cấp thông tin. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, thông thường số lượng lao động phải cho nghỉ việc là 3 người/doanh nghiệp (trung vị) và nếu xét theo số trung bình, là 10 lao động/doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp FDI, số lao động trung vị và trung bình mà một doanh nghiệp phải cho nghỉ việc lần lượt là 4 và 38 lao động.
Với những doanh nghiệp có cung cấp thông tin về quy mô lao động và số lượng lao động đã phải cho nghỉ việc, ước tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các doanh nghiệp FDI, con số này là khoảng 17%. Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc trong tổng số lao động cao nhất, cả ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Cụ thể, những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%.