500.000 tỷ nâng cấp cao tốc: Cần gấp 55.000 tỷ cho 5 tuyến cấp bách

Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất ưu tiên vốn ngân sách nhà nước nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách, sơ bộ tổng mức đầu tư là hơn 55.000 tỷ đồng. Trong khi tổng con số đầu tư nâng cấp các tuyến đường cao tốc theo dự toán cần khoảng 500.000 tỷ đồng.

Ưu tiên số 1: Nâng cao tốc 2 làn lên 4 làn xe

Trong một tính toán mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 4 nhóm dự án cao tốc được ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối liên thông, vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm 1: Đoạn La Sơn - Hòa Liên dài 66 km, nâng cấp từ quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 3.011 tỷ đồng; Đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98 km, nâng cấp từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 7.000 tỷ đồng; Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, nâng cấp từ 4 làn xe hạn chế lên quy mô 6 làn cần khoảng 1.995 tỷ đồng; Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, nâng cấp từ quy mô 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe theo phương thức PPP; Đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km, nâng cấp quy mô từ 2 làn xe lên 6 làn xe theo phương thức PPP.

Đường cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình trong nhóm 1 ưu tiên nâng cấp được đề xuất bởi bộ GTVT. Ảnh: Xuân Thạch
Đường cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình trong nhóm 1 ưu tiên nâng cấp được đề xuất bởi bộ GTVT. Ảnh: Xuân Thạch

Nhóm 2: Đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng 18.683 tỷ đồng. Các dự án trong nhóm 2 gồm: Nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai (dài 83km) đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 7.256 tỷ đồng; Đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40 km nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 8.167 tỷ đồng; Đoạn 12 km qua địa phận TP.Hải Phòng và tỉnh Thái Bình trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng nâng cấp theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh cần khoảng 3.260 tỷ đồng.

Nhóm 3: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Các dự án này gồm: Đoạn Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 dài khoảng 104 km cần khoảng 9.312 tỷ đồng; Đoạn Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 dài 66 km cần khoảng 14.125 tỷ đồng; Đoạn Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 dài 93 km cần khoảng 9.500 tỷ đồng; Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17 km cần khoảng 1.420 tỷ đồng; Đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dài 84 km cần khoảng 16.480 tỷ đồng.

Nhóm 4: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại. Theo tính toán sơ bộ, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.

Trong đó, ưu tiên nhóm 1 đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 55.318 tỷ đồng, với sự tham gia của vốn nhà nước khoảng 15.034 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 40.284 tỷ đồng.

Cần gấp hơn 55.000 tỷ đồng

Bộ GTVT cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay khoảng 500.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi.

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất một số tiêu chí ưu tiên đầu tư gồm các đoạn tuyến trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh và một số đoạn tuyến cần đầu tư nâng cấp để khai thác đồng bộ với các đoạn liền kề đã mở rộng... với tổng số vốn cho nhóm ưu tiên này là hơn 55.000 tỷ đồng.

500.000 tỷ nâng cấp cao tốc: Cần gấp 55.000 tỷ cho 5 tuyến cấp bách - Ảnh 1

Bộ này cũng đưa ra các tiêu chí ưu tiên như dự án đã xác định khả năng cân đối vốn (một phần hoặc toàn bộ), bao gồm các dự án PPP; các tuyến cao tốc đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh; các dự án có thủ tục đầu tư thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giải ngân, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu.

Bộ GTVT cho biết, dựa trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các địa phương và các chủ đầu tư, để đề xuất nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe dài gần 700 km đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (riêng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đạt quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh), với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 87.500 tỷ đồng; đồng thời nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế dài hơn 2.140 km theo quy mô quy hoạch, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 420.000 tỷ đồng. Tổng số tiền cần để “lên đời” các tuyến cao tốc giai đoạn 2021 – 2023 là hơn 500.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, việc rà soát nhu cầu vốn để nâng cấp đầu tư các tuyến cao tốc được thực hiện theo chỉ đạo trong công điện 16 của Thủ tướng. Sau khi có báo cáo, Chính phủ sẽ xem xét, nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

“Ngoại trừ một số đoạn có nhu cầu cấp bách cần sớm đầu tư nâng cấp (thuộc các dự án ưu tiên nhóm 1), các đoạn còn lại trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình như trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, hệ thống giao thông thông minh...”, vị lãnh đạo này nói thêm.

Xuân Thạch

Theo VietnamFinance