7 tháng đầu năm phát hành 260 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Tính đến ngày 20/7, đã có 262,25 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành ra thị trường. Con số này giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 52,3% khối lượng phát hành có tài sản đảm bảo.

 

Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm.  
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm.  

Theo Bộ Tài chính, lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.

Về cơ cấu: Các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành đạt lần lượt là 33,58% và 9,41% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đạt 4,1%; doanh nghiệp sản xuất đạt 8,7%; các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành đạt 33,6%.

Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp: Các NHTM mua 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.

Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 về phát hành TPDN để sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.

Về thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP), tính đến hết tháng 7/2022, Kho bạc Nhà nước phát hành được 78.422 tỷ đồng TPCP, đạt 19,6% kế hoạch (400 nghìn tỷ đồng). Do thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang ở mức tốt, giải ngân vốn đầu tư công chậm nên KBNN đã chủ động điều hành giảm khối lượng phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp để giữ ổn định lãi suất phát hành, tạo điều kiện để NHNN giữ ổn định thị trường tiền tệ.

Từ tháng 3 đến nay, KBNN gần như chỉ phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, lãi suất hiện nay khoảng 2,6%-2,8%/năm, cao hơn khoảng 0,5% so với thời điểm đầu năm, mặc dù NHNN thắt chặt tiền tệ, lãi suất trên liên ngân hàng tăng nhanh thời gian vừa qua (tăng khoảng 2,5%-3% so với đầu năm) nhưng Bộ Tài chính vẫn cơ bản giữ được lãi suất không tăng mạnh.

Bộ Tài chính cho hay, lãi suất giao dịch tăng khá nhanh theo lãi suất liên ngân hàng, hiện nay giao dịch ở mức 3,2%-3,9%/năm kỳ hạn 5 năm – 15 năm, tăng 1,5%-2,4%/năm so với đầu năm. Lãi suất giao dịch tăng nhanh là yếu tố không thuận lợi, tạo sức ép tăng lãi suất phát hành cho Bộ Tài chính.

Về thị trường chứng khoán, tính đến hết ngày 27/7/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.191,04 điểm, giảm 20,5% so với cuối năm 2021, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 6.226 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,1% GDP, giảm 19,8% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân tháng 7 đạt 13,43 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24% so với tháng trước, bình quân 7 tháng đầu năm đạt 24,14 nghìn tỷ đồng, giảm 9,3% so với bình quân năm 2021.

Về thị trường bảo hiểm, tổng tài sản ước đạt 764.978 tỷ đồng (tăng 21,35% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 110.601 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 654.377 tỷ đồng.

Đầu tư trở lại nền kinh tế: ước đạt 643.443 tỷ đồng (tăng 23,17% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.997 tỷ đồng; các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 577.446 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 136.951 tỷ đồng (tăng 15,24% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.484 tỷ đồng (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 98.467 tỷ đồng (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước).

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 31.803 tỷ đồng (tăng 11,05% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 10.684 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.119 tỷ đồng.

Sơn Hà

Theo Kinh doanh và Phát triển