ACB không còn là cổ đông lớn khiến cổ phiếu VOS quay đầu giảm sau nhiều ngày đạt đỉnh

Tăng đột biến trong tháng cuối năm 2020 đến nay, nhưng thông tin ACB đã thoái vốn khỏi VOS và hiện không còn là cổ đông lớn khiến thị giá VOS giảm trong phiên giao dịch sáng nay (20/1).

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) báo cáo không còn là cổ đông lớn Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam - Vosco (Mã chứng khoán VOS).

ACB không còn là cổ đông lớn khiến cổ phiếu VOS quay đầu giảm sau nhiều ngày đạt đỉnh - Ảnh 1
Ngân hàng TMCP Á Châu không còn là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần vận tải biển Việt Nam.

Cụ thể, ACB vừa hoàn tất đợt bán ra 5,8 triệu cổ phiếu VOS giữa lúc thị giá VOS tăng đột biến trong những tháng cuối năm 2020 đến nay. Phía ACB cho biết đây là động thái nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Các giao dịch diễn ra từ ngày 12-14/1 đã hạ tỷ lệ sở hữu của ACB tại Vosco từ 9% xuống còn 4,86%, qua đó ACB không còn là cổ đông lớn tại Vosco.

Trong đợt thoái vốn của ngân hàng, cổ phiếu VOS bất ngờ được giao dịch với khối lượng hàng triệu đơn vị mỗi phiên và giá cổ phiếu có nhiều phiên tăng trần liên tiếp. 

Kể từ khi lên sàn thời điểm tháng 9/2010, cổ phiếu VOS gần như chỉ giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí ba năm trở lại đây, giá một cổ phiếu VOS chỉ ngang cốc trà đá.

Từ cuối tháng 11/2020 đến nay, cổ phiếu VOS tăng rất mạnh. Cụ thể, từ 25/11/2020 - 19/01/2021, thị giá VOS tăng từ 1.470 đồng/cổ phiếu lên 4.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần 172%.

Tuy nhiên, trước thông tin ACB không còn là cổ đông lớn tại Vosco, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 20/1, thị giá cổ phiếu VOS bất ngờ giảm xuống còn 3.900 đồng/cp.

ACB không còn là cổ đông lớn khiến cổ phiếu VOS quay đầu giảm sau nhiều ngày đạt đỉnh - Ảnh 2
Diễn biến giá cổ phiếu VOS.  

Xét về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 của Vosco cho thấy doanh nghiệp tiếp tục chìm trong thua lỗ do ngấm đòn từ thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19.

 9 tháng đầu năm 2020, Vận tải biển Việt Nam đạt 970 tỷ đồng về doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 140 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2019. Với kết quả trên, Vosco mới thực hiện gần 76% kế hoạch doanh thu trong khi cách xa mục tiêu có lãi năm 2020.

Tính đến 30/9/2020, tổng nguồn vốn của Vận tải biển Việt Nam - Vosco là 2.980 tỷ đồng, giảm 125 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Nợ phải trả chiếm 81% cơ cấu nguồn vốn, lên tới 2.424 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 1.433 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với số đầu năm. Khoản nợ đi vay này đều là từ ngân hàng và gấp 2,58 lần vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu tính tới cuối quý 3/2020 là 567 tỷ đồng trong khi lỗ lũy kế lên đến 862 tỷ đồng.

ACB không còn là cổ đông lớn khiến cổ phiếu VOS quay đầu giảm sau nhiều ngày đạt đỉnh - Ảnh 3

Đầu tháng 12/2020, Vosco giảm tỉ lệ sở hữu tại Công ty TNHH MTV Đại lý tàu biển và Logistics Vosco (Vosal) xuống còn 36% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu Vosal được thành lập từ năm 2010 tại Hải Phòng với ngành nghề kinh doanh chính là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; dịch vụ đại lí tàu biển, dịch vụ cung ứng tàu biển.

Công ty có vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, là công ty con do Vosco nắm giữ 100% vốn điều lệ. Năm 2019, Vosal mang về 24,86 tỷ đồng doanh thu và 819 triệu đồng lãi trước thuế.

Những năm gần đây, Vosco liên tục tái cơ cấu tổ chức bên cạnh việc tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu đội tàu. Kết thúc năm 2019, công ty sở hữu một công ty con và một công ty liên kết.

Với việc thoái bớt vốn tại công ty con, tới đây, Vận tải biển Việt Nam sẽ có hai công ty liên kết là Vosal và CTCP Thương mại và Dịch vụ Vosco, doanh nghiệp vận tải, bán buôn sơn, dầu nhớt do Vosco góp 46,45% vốn.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ