Amkor Technology: 'Ông lớn' bán dẫn và tham vọng tỷ USD tại Việt Nam

Là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, Amkor Technology đã có mặt tại Việt Nam với khoản đầu tư cam kết 1,6 tỷ USD đến năm 2035. Amkor Technology đã đưa vào vận hành nhà máy tại Bắc Ninh vào năm 2023 và đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá tỷ USD ở Việt Nam

Amkor Technology, Inc. là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn (OSAT - Outsourced Semiconductor Assembly and Test). Tập đoàn thành lập song song tại Mỹ, Hàn Quốc từ năm 1968 và đặt trụ sở chính tại Arizona, Mỹ. Amkor hiện có mặt trên hơn 10 quốc gia, với hơn 30.000 nhân viên, sở hữu các nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bồ Đào Nha và Việt Nam.

Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn, Amkor đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, cung cấp các dịch vụ đóng gói và kiểm định vi mạch tiên tiến như Wafer-Level Packaging, Flip-Chip, System in Package (SiP), Fan-Out Packaging, bộ nhớ (Memory & Storage Solutions) và chất bán dẫn công suất cao (High Power & Automotive Semiconductors) cho các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Qualcomm, Intel, Samsung và TSMC.

Hiện nay, Amkor là 1 trong 3 công ty OSAT lớn nhất thế giới, bên cạnh ASE Group (Đài Loan) và JCET (Trung Quốc). Về quy mô tài chính, tổng giá trị tài sản của Amkor đạt 6,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2023. Doanh thu hàng năm của công ty vào khoảng 7 tỷ USD, với tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình khoảng 15%.

Amkor Technology: Hành trình đầu tư vào Việt Nam
Amkor Technology: Hành trình đầu tư vào Việt Nam

Amkor Technology đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 12/2021, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Bắc Ninh. Dự án có diện tích 23ha, tổng vốn đầu tư ban đầu 475 triệu USD và dự kiến tăng lên 1,6 tỷ USD, dự án chia làm 3 giai đoạn đến năm 2035.

Công ty đã đầu tư vào giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 530 triệu USD. Đây là một trong những dự án công nghệ bán dẫn lớn nhất của Việt Nam, cũng là dự án đầu tư lớn nhất của Amkor tại Đông Nam Á. Nhà máy chính thức khánh thành vào tháng 10/2023 và đi vào hoạt động từ năm 2024.

Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới, với công suất ban đầu đạt 600 triệu sản phẩm/năm​ (khoảng 210 tấn/năm).

Sau khi khánh thành nhà máy, Amkor đã nhanh chóng triển khai hoạt động sản xuất. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong năm 2024, công ty đạt doanh thu gần 340 tỷ đồng và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, Amkor đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 3,5 triệu USD từ thuế thu nhập cá nhân và thuế nhà thầu.

Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án Amkor Technology Việt Nam, bước sang năm 2025, tập đoàn này tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng, tăng công suất sản xuất giai đoạn 2 lên 1.200 triệu sản phẩm/năm (khoảng 420 tấn/năm) và mở rộng lên 3.600 triệu sản phẩm/năm (khoảng 1.600 tấn/năm), bổ sung công đoạn mạ trong quy trình để tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cấp hệ thống xử lý môi trường để kiểm soát khí thải, nước thải, tối ưu hóa sản xuất trong nguồn vốn đã cam kết​.

Báo cáo đánh giá dự án phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp tại Bắc Ninh, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, tạo điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam và đảm bảo các biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong quá trình vận hành.

Hiện công ty đang sử dụng 1.256 lao động trong nước. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 22,3 triệu đồng/tháng. Đến năm 2035, Amkor dự kiến sẽ tuyển dụng 7.200 lao động, góp phần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam​.

Ông Ji Jong Rip, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc toàn cầu của Tập đoàn công nghệ Amkor từng khẳng định, Amkor muốn tăng cường sử dụng các kỹ sư, nhân sự trình độ cao tại Việt Nam, kết hợp với việc huy động các kỹ sư, chuyên gia trình độ cao từ các cơ sở khác trên khắp thế giới của Tập đoàn.

Amkor Technology: 'Ông lớn' bán dẫn và tham vọng tỷ USD tại Việt Nam - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Amkor mở rộng đầu tư sớm hơn so với lộ trình cam kết; nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn.

Việt Nam - Điểm đầu tư tiềm năng cho công nghiệp bán dẫn

Việc Amkor chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư không phải ngẫu nhiên.

Việt Nam hiện đang trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực nhờ chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và hệ sinh thái công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Foxconn, Intel.

Bắc Ninh, nơi đặt nhà máy của Amkor, cũng là địa phương thu hút nhiều dự án công nghệ cao nhờ lợi thế về hạ tầng, giao thông và môi trường đầu tư thuận lợi​.

Ngoài Amkor còn có các tập đoàn Samsung, Intel, Nvidia đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành bán dẫn toàn cầu, trong đó Amkor đóng vai trò quan trọng trong mảng đóng gói và kiểm định vi mạch​.

Với chiến lược mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Amkor không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm mà còn góp phần nâng cao năng lực công nghệ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Dự án này giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong ngành công nghệ cao.

Trong tương lai, Amkor có thể tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần đưa đất nước trở thành trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á​.

Hoàng Minh

Theo VietnamFinance