VN-Index điều chỉnh, tâm điểm thuộc về cổ phiếu SHB
Với thanh khoản lên tới gần 102 triệu đơn vị, SHB là cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản trong phiên giao dịch 21/07.
Thị trường chứng khoán ngày 21/7 diễn biến giằng co mạnh khi chỉ số VN-Index mở đầu phiên tăng gần 10 điểm, áp sát mốc 1.512 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời xuất hiện vào cuối phiên đã kéo chỉ số lùi sâu, đóng cửa tại 1.485,05 điểm, giảm hơn 12 điểm so với tham chiếu.
Trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh, cổ phiếu SHB trở thành điểm sáng khi ghi nhận diễn biến tích cực. Mã này tăng gần 3%, chốt phiên ở mức 14.600 đồng/cp – thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong rổ VN30 cũng như toàn ngành ngân hàng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của SHB đạt khoảng 59.353 tỷ đồng, tương đương 2,26 tỷ USD.
Cổ phiếu SHB cũng dẫn đầu toàn thị trường với khối lượng giao dịch gần 102 triệu đơn vị. Tính từ đầu năm đến nay, mã này đã có tới 11 phiên giao dịch vượt mốc 100 triệu đơn vị, khẳng định vị thế là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng và rổ VN30.

Không chỉ thu hút dòng tiền trong nước, cổ phiếu SHB còn được khối ngoại tích cực gom mua. Trong phiên 21/7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng giá trị hơn 65 tỷ đồng. Tính trong 10 phiên gần nhất, khối ngoại đã chi trên 530 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu này – một con số cho thấy mức độ quan tâm đáng kể từ dòng vốn quốc tế.
Đáng chú ý, dù thị giá đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm, cổ phiếu SHB vẫn đang giao dịch với mức định giá hấp dẫn. Ước tính, P/E của cổ phiếu này chỉ quanh mức 6,0 lần, trong khi P/B xấp xỉ 0,97 – thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng.
Giá cổ phiếu xoay quanh vùng 15.000 đồng/cp được giới phân tích nhận định là "còn rẻ", nếu xét đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy SHB đang vận hành hiệu quả với lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 30% kế hoạch năm. Các chỉ số tài chính cũng rất ấn tượng: ROE đạt 21,4% – thuộc nhóm cao nhất ngành, NIM đạt 3,26% và CIR duy trì ở mức thấp 24,5%.
Tổng tài sản của SHB tính đến cuối quý I đã vượt 790.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng tăng 7,8%, đạt gần 576.000 tỷ đồng – một mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thách thức về tăng trưởng tín dụng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của SHB cũng cho thấy tham vọng rõ nét: đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng (tăng 25%), hướng đến tổng tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026, kiểm soát nợ xấu dưới 2% và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 16%/năm.
So với các cổ phiếu ngân hàng khác như VIB, TPB hay VPB, thị giá SHB vẫn thấp hơn khoảng 15%. Còn nếu so với các mã đầu ngành như CTG, BID, MBB hay VCB, khoảng cách giá thậm chí dao động từ 50% đến 80%.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, đà tăng mạnh của SHB được đánh giá là hoàn toàn hợp lý. Cổ phiếu này đã tích lũy hơn một năm trong nền giá chặt chẽ, tạo nền vững chắc để bứt phá. Việc tích lũy dài hạn giúp SHB tăng giá một cách ổn định, ít bị rung lắc trước áp lực chốt lời ngắn hạn.
Hiện tại, SHB chỉ còn cách vùng đỉnh lịch sử năm 2021 một khoảng ngắn. Với diễn biến tích cực gần đây, khả năng vượt đỉnh và thiết lập vùng giá mới trong thời gian tới là điều đang được thị trường theo dõi sát sao.