Bách Hóa Xanh bị tố bán tăng giá: Giải thích lạ
Theo đại diện của Bách Hóa Xanh, sai sót do không thay giá chứ không phải cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.
Thông tin chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công khai tăng giá bán một số mặt hàng rau, củ, quả trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội vẫn chưa hết xôn xao thì mới đây, một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP. Sóc Trăng bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán không đúng giá niêm yết.
Theo đó, vào sáng ngày 18/7, ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng cho biết sáng 17/7, Đội QLTT số 2 (thuộc Cục QLTT Sóc Trăng) đã kiểm tra, phát hiện hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết của cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3 (TP. Sóc Trăng) và đã lập biên bản để xử lý theo quy định.
Theo một cán bộ Phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng, ở cửa hàng Bách Hóa Xanh này có bán một số mặt hàng không đúng với giá niêm yết như cháo tươi gà cà rốt, giá niêm yết là 19.000 đồng/gói, nhưng bán ra 19.600 đồng/gói.
Còn cháo tươi lươn đậu xanh, giá niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói. Cháo tươi thịt thăn, giá niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói. Cháo yến vị thịt bằm, giá niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói. Còn cháo tươi rau củ thập cẩm, giá niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Theo vị cán bộ này, người đại diện cho BHX cũng xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo chứ không phải do cửa hàng cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.
Còn tại TP.HCM, đại diện truyền thông của Thế giới Di động và Bách Hóa Xanh cho biết:
“Mức tăng này nhằm bù vào chi phí đầu vào tăng như trong thông báo trước đó của BHX, và hoàn toàn nằm trong mặt bằng chung giữa các siêu thị khác, chứ không phải chúng tôi muốn bán giá nào thì bán, bởi vì còn có sự kiểm soát của cơ quan Quản lý thị trường. Đây là điều thị trường chưa nhìn nhận được đầy đủ nên khá là thiệt thòi cho Bách Hóa Xanh”.
Theo đại diện của BHX, những ý kiến phản đối về giá tại BHX đa phần chỉ tập trung vào câu chữ trong công văn thông báo tăng giá của BHX và suy luận ra rằng BHX bán giá cắt cổ,… Đại diện của BHX cho rằng nếu chỉ nhìn nhận như vậy là điều rất “thiệt thòi” cho BHX.
"Mặt bằng giá mới vẫn nằm trong mặt bằng chung giữa các siêu thị khác. Hơn nữa, việc các siêu thị khác không công bố tăng giá nhằm bình ổn giá, nhưng vấn đề là họ… có hàng để bán hay không", đại diện BHX nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, nói về việc tăng giá bán, đại diện hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ cho biết, hiện tại hệ thống giá cả tại VinMart/VinMart+ ở khu vực TP.HCM vẫn được giữ ổn định.
Khó khăn về vận chuyển chủ yếu ở quy định xét nghiệm Covid-19. Tài xế cần có xét nghiệm âm tính hiệu lực 3 ngày. Thời gian này quá ngắn, việc xét nghiệm lại mất thời gian do chờ đợi nên gây ra một số khó khăn về lưu thông hàng hóa.
Trong một diễn biến mới liên quan đến việc này, sáng ngày 18/7, tại cuộc họp trực tuyến bàn về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.
Như trường hợp hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh vừa qua, ngay sau khi có thông tin tăng giá bất hợp lý, quản lý thị trường đã làm việc với siêu thị này. Đến nay đã kiểm tra 232/561 cửa hàng, song ông Ba nêu thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này "cũng không phải tăng quá cao", lượng hàng đảm bảo.
Cơ quan quản lý thị trường đã yêu cầu Bách Hóa Xanh và các chợ truyền thống cam kết đảm bảo phòng chống dịch, không tăng giá bất hợp lý. Đồng thời thiết lập các kênh liên lạc, nếu doanh nghiệp có chi phí đột biến tăng cao thì phải cập nhật cho lực lượng quản lý thị trường nắm thông tin.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn trong thu mua hàng hóa bởi nhiều tỉnh cấm nông dân ra khỏi nhà, khó trong khâu thu hoạch. Do đó cần phải có chính sách để vừa đảm bảo phòng chống dịch, nhưng cũng phải bảo vệ vùng sản xuất.
Đặc biệt, ông đề nghị quản lý thị trường vào cuộc mạnh mẽ hơn, vì có hiện tượng người mua hàng trong siêu thị ra ngoài bán mà chưa xử phạt được trường hợp nào.
Trước đó, nhiều người chia sẻ hai tờ hóa đơn mua hàng tại BHX, một tờ được in vào ngày 11/7, tờ còn lại được in vào ngày 17/7. Theo tờ hóa đơn ngày 11/7 thì một số mặt hàng tại BHX có giá như sau: Giá bí xanh 55.000 đồng/kg; bí đỏ hồ lô 50.000 đồng/kg; chanh tươi 40.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 30.000 đồng/kg; hành lá 35.000 đồng/kg.
Còn hóa đơn ngày 17/7, một số mặt hàng tại BHX có giá như: Rau xà lách búp mỡ 35.000 đồng/kg; cà chua 33.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 33.000 đồng/kg; bầu sao 40.000 đồng/kg; dưa leo 40.000 đồng/kg.
So sánh giữa hai thời điểm trên, có thể thấy giá cà rốt Đà Lạt được BHX tăng thêm 3.000 đồng/kg, từ 30.000 đồng/kg tăng lên 33.000 đồng/kg.