'Bán đứt' chợ nông sản Thủ Đức: Thuduc House còn lại gì?

Mới đây, Thuduc House ghi nhận năm 2020 lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty âm đến 30 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Thuduc House báo lỗ kể từ năm 2004.

Thuduc House bất ngờ bán Chợ đầu mối Thủ Đức

Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ là 37 tỷ đồng do CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, Mã: TDH) góp 100% vốn. Chợ đầu mối Thủ Đức là một trong những chợ đầu mối về nông sản lớn nhất ở TP.HCM. Tuy nhiên, giữa năm 2020, TDH công bố sẽ chuyển nhượng hết cổ phần tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khiến nhiều người bất ngờ.

'Bán đứt' chợ nông sản Thủ Đức: Thuduc House còn lại gì? - Ảnh 1

Theo đó, Thuduc House quyết định chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần đang nắm giữ tại chợ Thủ Đức với tổng giá trị cổ phần hơn 1,8 triệu cổ phiếu, với mức giá 48.800 đồng/cổ phần, tương đương với tổng giá trị gần 88 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 Thuduc House quyết định bán cổ phần chợ Thủ Đức. Trước đó, vào năm 2018, công ty này đã bán 51% vốn tại chợ Thủ Đức với giá 34.900 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, Thủ Đức House chỉ bán số lượng cổ phần này cho cán bộ, công nhân viên công ty.

Khi đó, Thủ Đức House lý giải, bán cổ phần chợ Thủ Đức trong nội bộ nhằm nắm quyền kiểm soát, chi phối chợ mà vẫn có lợi nhuận thu về, không ảnh hưởng đến dòng tiền tương lai.

Theo một chuyên gia, thực tế, đây là câu chuyện không khác mấy việc lấy tiền từ túi trái bỏ qua túi phải, nhưng trên báo cáo tài chính Thủ Đức House có thêm khoản lợi nhuận từ việc bán cổ phần, qua đó giúp kết quả kinh doanh có lợi cao và đẩy giá cổ phiếu Thủ Đức House trên thị trường.

Tuy nhiên lần này, không thấy Thuduc House rao bán trong nội bộ, có nghĩa là người bên ngoài có thể mua chợ Thủ Đức.

Một điều đáng lưu ý, việc bán cổ phần chợ Thủ Đức trong bối cảnh Thủ Đức House trong quý 1/2020 báo lỗ 18,5 tỷ đồng. Như vậy, việc bán thành công 49% vốn điều lệ chợ Thủ Đức thì Thủ Đức House đã ghi nhận khoản lãi tương ứng 88 tỷ đồng và giúp xóa khoản lỗ của quý đầu tiên năm 2020.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ trong quý 1/2020 là do doanh thu bán hàng giảm, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án mới chưa kịp đưa vào kinh doanh do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong khi các mảng hoạt động kinh doanh khác (thương mại, dịch vụ) đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh toàn cầu.

Thuduc House còn gì sau khi bán đi chợ nông sản?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của TDH, đại diện Quỹ Đầu tư KWE đã chất vấn hàng loạt vấn đề xung quanh việc bán cổ phần Công ty Quản lý chợ nông sản Thủ Đức.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi: Tại sao việc bán chợ không được đưa ra xin ý kiến cổ đông? Đây là tài sản lớn và đem lại lợi nhuận ổn định cho TDH trong nhiều năm qua dù tình hình kinh doanh bất động sản có lúc khó khăn. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Công ty Chợ đạt 30 tỷ đồng, chiếm 25% lợi nhuận sau thuế của TDH.

Nguồn: BCTC các năm của TDH.  
Nguồn: BCTC các năm của TDH.  
Sau khi "bán đứt" chợ đầu mối Thủ Đức, kết quả kinh doanh của Thuduc House liên tiếp báo lỗ.

Cụ thể, trong quý 4/2020, TDH đạt doanh thu thuần gần 779 tỷ đồng và lãi gộp gần 181 tỷ đồng, lần lượt tăng 47% và 162% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính trong quý của doanh nghiệp giảm 65% so với cùng kỳ xuống còn 54 tỷ đồng; giá vốn bán hàng tăng từ 461 tỷ đồng lên 598 tỷ đồng.

Kết quả, TDH báo lãi sau thuế trong quý 4/2020 giảm 72% xuống còn 26 tỷ đồng. Dù vậy, phần lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty (Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) âm đến 27 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của TDH đạt 1.965 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 87% so với năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trong năm 2020 ghi nhận âm hơn 30 tỷ đồng, trong khi cả năm 2019 ghi nhận đạt hơn 139 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2004, Thuduc House báo lỗ trong một năm hoạt động.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TDH.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TDH.  
Tính đến 31/12/2020, hàng tồn kho của TDH có tổng giá trị 996 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại một số dự án Centum Wealth (394 tỷ đồng), Aster Garden Towers (191 tỷ đồng) và KĐT Long Hội - Long An (167 tỷ đồng);...

Danh mục chi phí dở dang dài hạn của TDH ghi nhận 928 tỷ đồng, tập trung tại hai dự án khu dân cư Cần Giờ (32 ha, 820 tỷ đồng) và khu dân cư Bình Trưng Đông (137 ha, 104 tỷ đồng).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TDH.    
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TDH.    
Đáng chú ý, nợ phải trả của TDH tăng 7% so với đầu năm, lên mức 2.956 tỷ đồng, trong đó các khoản nợ ngắn hạn chiếm đến 74%. Nợ dài hạn tăng từ mức hơn 532 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 778 tỷ đồng năm 2020.

ThuDuc House bị truy thu thuế gần 400 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra thuế, Cục Thuế TPHCM cho biết trong quá trình điều tra thu thập thông tin đã xác định thời gian qua Thuduc House ký rất nhiều hợp đồng xuất khẩu linh kiện điện tử với các đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, theo thanh tra, bản chất đây là các hợp đồng giả tạo, nhằm mục đích che giấu giao dịch xuất khẩu giữa Công ty TNHH Thương mại – xây dựng ALP với phía nước ngoài. Bởi thực tế Công ty TNHH Thương mại – xây dựng ALP mua hàng trôi nổi trên thị trường, rồi hợp thức hóa các hóa đơn đầu vào từ các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn theo quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự. Các hóa đơn đầu vào này liên quan đến hóa đơn đầu ra xuất cho Wood Trading.

Sau đó Wood Trading xuất hóa đơn (thực tế không có giao dịch mua bán) cho Thuduc House để công ty này đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và đứng tên trên tờ khai hải quan và các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại – xây dựng ALP.

Mỗi lô hàng xuất đi, Wood Trading và Thuduc House được hưởng 0,7% trên giá trị hợp đồng mua bán. Trong đó, Thuduc House hưởng 0,6%, còn công ty con hưởng 0,1%.

Kết luận thanh tra của Cục Thuế TPHCM còn cho biết từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019, Thuduc House đã trục lợi số tiền thuế của nhà nước hơn 221 tỷ đồng. Do đó, Cục Thuế TP quyết định thu hồi số tiền thuế giá trị gia tăng đã hoàn cho Thuduc House là 221 tỷ đồng và thu số tiền chậm nộp 37 tỷ đồng.

Sau đó Cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định số 5438 thu hồi số tiền trên đối với kỳ tính thuế tháng 1/2019 đến tháng 6/2019. Cơ quan thuế cũng truy lại kỳ tính thuế 2017 và 2018 và ban hành quyết định thu hồi số tiền thuế GTGT đã hoàn trong giai đoạn này là 109,8 tỉ đồng và thu số tiền chậm nộp hơn 27 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền truy thu và tiền chậm nộp là 396,5 tỉ đồng.

Cục Thuế TP.HCM cũng lưu ý số tiền trên chỉ mới tính trên số thuế truy thu và tính tiền chậm nộp. Còn với hành vi vi phạm làm tăng số tiền thuế được hoàn, có dấu hiệu phạm tội trốn thuế theo điều 200 Bộ luật hình sự, Cục Thuế TP.HCM tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ qua cơ quan tố tụng hình sự để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ