'Bàn tay' Trương Mỹ Lan tại 2 dự án nghìn tỷ gây bức xúc nhiều năm ở TP.HCM

Trong lúc Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bà Trương Mỹ Lan trong vụ 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'Rửa tiền', 'Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới', người dân huyện Bình Chánh cũng đã nêu những bức xúc quanh dự án Sing- Việt liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.

Dự án gần 30 năm vẫn nằm trên giấy

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh mới đây của tổ đại biểu số 8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, có nhiều ý kiến đều xoay quanh các bất cập xung quanh dự án Khu đô thị Sing Việt vướng quy hoạch năm tuyến đường vào KCN An Hạ.

Trong đó người dân ở xã Lê Minh Xuân đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan thẩm quyền làm rõ cho người dân biết có làm dự án khu đô thị và khu tái định cư Sing - Việt (dự án Sing - Việt) nữa hay không, nếu làm thì bao giờ làm.

Dự án Sing - Việt là một trong những dự án bị khiếu nại kéo dài, người dân không đồng tình với phương án bồi thường.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa TP. HCM
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa TP. HCM

Dự án này nằm ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có quy mô 331ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000.

Tuy nhiên, đến nay đã 27 năm, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, khu tái định cư đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn khu đô thị chưa đền bù xong.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (Công ty Sing Việt). Tuy nhiên, 100% vốn của công ty này thuộc sở hữu của Công ty Amaland Pte.Ltd (Amaland) được thành lập tại Singapore.

Năm 2020, công ty này chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH đô thị Sing Việt cho Công ty CP đầu tư Singapore - Việt Nam (gọi tắt SVIC). Giá trị hợp đồng 170 triệu USD, đã thanh toán trước 16,5 triệu USD.

Tại kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền thông qua Công ty VivaLand mua vốn góp của công ty Singapore, từng bước thâu tóm dự án Sing - Việt.

Thông qua Công ty Vivaland, bị cáo Trương Mỹ Lan dùng 147 triệu USD mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland PTE.LTD. Từ đó, bị cáo nắm giữ vốn góp tại Công ty TNHH đô thị Sing Việt.

Tại phiên tòa chiều 1/10, đại diện 2 công ty liên quan đến dự án khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh, TP. HCM) đều đề nghị được nộp tiền khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Mỹ Lan, để ''giành' quyền được tiếp tục thực hiện dự án.

Đại diện Công ty TNHH đô thị Sing Việt cho biết, giữa Công ty Vivaland và Công ty Cổ phần Tập đoàn TTD Captical có ký thỏa thuận 2 công ty cùng tham gia hợp tác, điều hành, phát triển dự án.

Đại diện TTD Captical khẳng định, sẽ thay nhóm cổ đông ở Vivaland nộp 147 triệu USD để khắc phục hậu quả của vụ án.

Đại diện Công ty SIVC trình bày, đã khởi kiện Công ty Amaland PTE.LTD tại Tòa án Nhân dân TP. HCM. Công ty SIVC cũng đề nghị, sau khi trừ đi tiền cọc 16,5 triệu USD đã chuyển cho Công ty Amaland PTE.LTD thì công ty sẵn sàng nộp số tiền còn lại (hơn 153 triệu USD) để khắc phục hậu quả vụ án, từ đó tiếp tục thực hiện dự án khu đô thị Sing Việt.

One Central: Bitexco nhận 15.702 tỷ từ Trương Mỹ Lan

Về việc huy động tiền để khắc phục hậu quả cho các trái chủ, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn thu hồi khoản tiền 7.000 tỷ đồng mà bị cáo từng cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) mượn cách đây 7 năm.

Bị cáo cho biết khi Bitexco đầu tư vào 'siêu dự án' One Central, khu phức hợp rộng 8.600m² đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TP. HCM, bà đã cho họ mượn từng đợt vài chục tỷ đồng, đến khi tổng số tiền cho mượn tích lũy đến 7.000 tỷ đồng.

Bitexco cam kết rằng công ty nào tiếp tục phát triển dự án sẽ trả lại số tiền này. Sau đó, một tập đoàn nước ngoài tiếp quản dự án và hứa sẽ trả bị cáo Lan 10.000 tỷ đồng nhưng chưa kịp thực hiện thì bị cáo bị khởi tố trong vụ án này.

Tại phiên tòa ở TP. HCM, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Bitexcođại cho biết, ban đầu Bitexco là chủ đầu tư dự án nhưng sau đó tập đoàn tìm đối tác có tìm năng để tiếp tục phát triển dự án One Central. Trong quá trình này, chủ tịch Tập đoàn Bitexco có thống nhất với bà Lan giá chuyển nhượng dự án là 22.000 tỷ đồng. Sau khi tìm được đối tác, hai bên ký hợp đồng hợp tác. Trên thực tế, Bitexco đã nhận được 15.702 tỷ đồng tiền chuyển nhượng dự án, trong đó nhận trực tiếp 14.352 tỷ đồng.

Tập đoàn Bitexco dùng số tiền này để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn để hoàn trả các khoản vay ngân hàng, công nợ với nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn của Bitexco và các công ty con đã phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng của dự án khu tứ giác Bến Thành và một số dự án khác trong Tập đoàn Bitexco.

Đại diện công ty này cho biết Tập đoàn Bitexco có ý kiến không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng vì đây là quan hệ dân sự giữa các bên. Bitexco nhận số tiền nêu trên một cách hợp pháp và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không.

Trần Lê

Theo VietnamFinance