Bảo hiểm DBV thu hàng trăm tỷ từ bảo hiểm xe máy, bồi thường chỉ nhỏ giọt
Bảo hiểm DBV tiếp tục khẳng định bảo hiểm xe cơ giới là “trụ cột” doanh thu khi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên, hoạt động bồi thường – đặc biệt với xe máy – lại đang gây nhiều tranh cãi khi mức chi trả rất thấp so với số phí thu được.
Trong nhiều năm qua, bảo hiểm xe cơ giới luôn giữ vị trí chính trong doanh thu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo hiểm DBV (trước đây gọi là Bảo hiểm Hàng không VNI). Trong khi đó, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (TNDS) của xe máy vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn lợi nhuận đến từ bán bảo hiểm xe ô tô.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, doanh thu phí từ bảo hiểm xe cơ giới của DBV đạt khoảng 505 tỷ đồng, chiếm hơn 67% tổng doanh thu của hãng này. Trong khi đó, doanh thu từ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt hơn 110 tỷ đồng.
Trong năm 2024, phí bảo hiểm gốc của nghiệp vụ xe cơ giới đạt hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm trên 62% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc, còn bảo hiểm con người gần 548 tỷ. Năm 2023, doanh số bảo hiểm xe cơ giới của DBV đạt trên 1.700 tỷ, chiếm gần 67% tổng doanh thu, với bảo hiểm con người hơn 417 tỷ.
Năm 2022, doanh thu từ bảo hiểm ô tô và xe máy của DBV đạt 1.754 tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng doanh thu. Các năm trước đó, tỷ lệ này còn cao hơn: 68% vào năm 2021, khi doanh thu từ nghiệp vụ này đạt trên 1.487 tỷ trong tổng số 2.184 tỷ.
Theo kết luận của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2023, DBV có doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm TNDS xe cơ giới hơn 625 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bảo hiểm TNDS xe máy chỉ hơn 110 tỷ, còn chủ xe ô tô là gần 515 tỷ đồng.
Trong công tác bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới năm 2023, DBV giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường, tổng số tiền hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, xe máy chỉ chiếm 66 hồ sơ với số tiền bồi thường 4,4 tỷ đồng, còn lại từ ô tô là 1.951 hồ sơ, tiền bồi thường hơn 104 tỷ.
Điều đáng nói là, khoản chi trả cho bảo hiểm xe máy của VNI rất nhỏ, khoảng 4% doanh thu loại hình này. Thực trạng này cũng phù hợp với số liệu của Cục, khi trong 11 tháng năm 2024, doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới khác đạt 736,9 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường chỉ khoảng 28,5 tỷ – tỷ lệ chi trả chỉ hơn 3,8%.
Theo chuyên gia kinh tế nhận định rằng, mức bồi thường này là quá thấp, đặc biệt khi so sánh với các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác, có doanh nghiệp chi trả tới 60% doanh thu phí bảo hiểm.
Báo cáo tài chính quý I/2025 của DBV cho thấy doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm đạt 614 tỷ đồng, tăng 23% so với quý I/2024. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng lên hơn 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động, đặc biệt chi phí bồi thường, đã tăng vọt lên hơn 352 tỷ đồng trong quý này, tăng hơn 130 tỷ so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của DBV chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hơn 10 tỷ đồng của quý đầu năm 2024.
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Hàng không (VNI) với số tiền 260 triệu đồng.
Các hình thức xử phạt gồm: 180 triệu vì trích lập dự phòng không đúng quy định, 50 triệu do chậm giải quyết bồi thường khách hàng, và 30 triệu còn lại do thiếu chính xác trong báo cáo số liệu.
Biện pháp xử lý này được giao cho ông Nghiêm Xuân Thái, người đại diện theo pháp luật của VNI, để chấp hành quyết định.