Bảo hiểm Hàng không bị phạt vì vi phạm bán bảo hiểm

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), số tiền phạt là 260 triệu đồng.

Bảo hiểm Hàng không đã bị phạt với 3 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 260 triệu đồng.

Cụ thể, phạt 180 triệu đối với hành vi trích lập dự phòng không đúng quy định của pháp luật, phạt 50 triệu đồng do hành vi chậm giải quyết bồi thường cho khách hàng. VNI còn bị phạt 30 triệu đồng do thông tin số liệu trong báo cáo không đầy đủ, chính xác.

Quyết định này giao cho ông Nghiêm Xuân Thái, là người đại diện theo pháp luật của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không để chấp hành.

Bảo hiểm Hàng không bị phạt vì vi phạm bán bảo hiểm - Ảnh 1

Trước đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã công bố kết luận thanh tra đối với Bảo hiểm Hàng không. Hàng loạt tồn tại, vi phạm liên quan đến bảo hiểm TNDS xe cơ giới như công tác bồi thường, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đã được nhà chức trách chỉ ra.

Đối với bảo hiểm sức khoẻ, VNI đã hạch toán giảm chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với phần nhượng tái bảo hiểm, số tiền gần 120 tỷ đồng chưa phù hợp với quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ.

Kết luận thanh tra nêu rõ, có 338 hồ sơ bồi thường VNI đã giải quyết xong trong năm 2023, tuy nhiên VNI vẫn thực hiện trích lập dự phòng đối với các hồ sơ đã giải quyết bồi thường nêu trên, chưa đúng quy định tại thông tư số 67/2023. Số tiền đã trích lập dự phòng là hơn 1,3 tỷ đồng.

Có 8 hồ sơ bồi thường VNI trích lập dự phòng không tương ứng với số liệu tổn thất. Ngoài ra, có 82 hợp đồng bảo hiểm chưa trích lập dự phòng phí chưa được hưởng.

Có 116 hồ sơ bồi thường đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu bồi thường trong năm 2023 nhưng chưa thực hiện trích lập dự phòng bồi thường. 220 hồ sơ bồi thường đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu bồi thường, tuy nhiên do việc thực hiện giám định hoặc báo cáo giám định phát sinh sau thời điểm 31/12/2023, nhưng VNI chưa thực hiện trích lập dự phòng bồi thường.

Đối với hành vi vi phạm chậm giải quyết bồi thường cho khách hàng, kết luận thanh tra chỉ rõ, thời gian xử lý bồi thường, tạm ứng bồi thường và thanh toán bồi thường cho chủ xe cơ giới rất chậm.

Khi chọn 5 mẫu hồ sơ theo báo cáo của VNI, có trường hợp mất hơn 300 ngày để giải quyết, thậm chí có hồ sơ kéo dài tới 544 ngày hoặc lâu nhất là 607 ngày. Trong khi thời hạn theo quy định chỉ từ 15 đến 30 ngày.

Bên cạnh đó, thanh tra thấy VNI thực hiện không đúng quy định về trách nhiệm lập và gửi báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, báo cáo tổng hợp nghiệp vụ năm 2023 của VNI không có thông tin, số liệu chi tiết về trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với từng nghiệp vụ thuộc bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ.

Theo báo cáo của bảo hiểm VNI, năm 2023 công ty đã phát sinh doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm TNDS xe cơ giới là hơn 625 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm TNDS xe máy đạt hơn 110 tỷ, còn của chủ xe ôtô là gần 515 tỷ đồng...

Thành Nam

Theo Tài chính doanh nghiệp