Bầu Đức chơi lớn, đại gia hết mê chim đến cá
<FONT color=#000000>Bầu Đức thế chấp khối tài sản lớn thông qua nhiều đợt phát hành trái phiếu liên tiếp, đại gia Đặng Thành Tâm dính cú choáng khi nỗ nặng.</FONT>
Bầu Đức bất ngờ thế chấp khối tài sản khổng lồ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/11, cổ phiếu HAG của bầu Đức gây chú ý với khối lượng giao dịch tương đối khá trong bối cảnh thị trường diễn biến khá èo uột. Bên cạnh đó, theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai đã phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 28/10 với kì hạn 4 năm.
Lãi suất áp dụng cho 6 tháng đầu tiên là 10%. Lãi suất áp dụng cho các kì điều chỉnh lãi suất sau bằng tổng của 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kì điều chỉnh lãi suất đó.
Trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân cao nhất, trả lãi sau, áp dụng cho các trường hợp tiết kiệm thông thường bằng VND áp dụng cho kì hạn 12 tháng hoặc tương đương do ngân hàng TPBank công bố lúc 11 giờ sáng tại ngày áp dụng lãi suất của kì điều chỉnh lãi suất đó.
Bầu Đức. |
Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng 64 triệu cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Theo thị giá cổ phiếu HAG ngày 28/10 là 4.500 đồng, ước tính tổng giá trị của 64 triệu cổ phiếu HAG được thế chấp này rơi vào khoảng 288 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn gồm vườn cây lâu năm cùng toàn bộ các quyền và lợi ích phát sinh từ việc khai thác vườn cây ăn quả đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai thuộc sở hữu của CTCP Chăn nuôi Gia Lai có diện tích 164,2 ha ở Gia Lai.
Hưng Thắng Lợi Gia Lai cũng thế chấp bao gồm nhưng không giới hạn quyền đòi số tiền nợ gốc, lãi, tiền phạt, bồi thường thiệt hại và toàn bộ các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty và CTCP Lê Me ngày 8/9/2020.
Ngoài ra, lô trái phiếu này còn được bão lãnh thanh toán của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT của HAGL và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG).
Hưng Thắng Lợi Gia Lai là công ty con do HAGL nắm 78,22% vốn. Trước đó, theo nghị quyết HĐQT ngày 16/3/2018 đã thông qua việc HAGL mua 76,93 triệu cổ phiếu của Hưng Thắng Lợi Gia Lai với giá là 32.200 đồng/cp.
Ông Đặng Thành Tâm. |
Đại gia Đặng Thành Tâm bị lỗ
Doanh nghiệp lớn bất động sản công nghiệp - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với cú thua lỗ đầu tiên kể từ quý III/2013.
KBC lỗ chủ yếu do doanh thu giảm mạnh (giảm gần -80% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần không đù bù chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp.
Sở dĩ KBC thua lỗ, theo giải thích của doanh nghiệp, chủ yếu là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm dẫn đến tình trạng giảm doanh thu bán hàng và tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.
Thông tin này khiến nhiều người nghĩ về thời kỳ khó khăn của ông Đặng Thành Tâm cách đây gần một thập kỷ khi mà doanh nghiệp của đại gia này thua lỗ, chị gái của ông Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Yến phải tạm rút lui.
Mặc dù thua lỗ nhưng giá cổ phiếu KBC giảm không nhiều và vẫn đang ở vùng cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Đáng chú ý là công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT là CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo vừa chi khoảng 140 tỷ đồng và mua thành công 10 triệu cổ phần KBC, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên gần 21 triệu đơn vị, tương đương 4,47% vốn. Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch Phát triển Đô Thị Kinh Bắc.
Cá nhân ông Đặng Thành Tâm hiện là cổ đông lớn sở hữu 85,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,15%). Trước đó lần gần nhất Vinatex Tân Tạo đã mua thêm 5 triệu cổ phiếu KBC trong giai đoạn giữa tháng 6 đến đầu tháng 7/2020.
Bể cá Koi 5 tỷ đồng của Chương Tailor. |
Đại gia chi 5 tỷ đồng xây bể cá Koi
Không chỉ được mệnh danh là “ông trùm thời trang ở Việt Nam”, Chương Tailor còn nổi tiếng trong giới mê sinh vật cảnh với “gia tài đồ sộ” về chim đột biến, cá Koi Nhật, cây sanh bonsai… Cũng chính vì đam mê với sinh vật cảnh mà khi xây dựng căn biệt thự tại Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội, ông không tiếc công tiếc của thiết kế khu vực dành riêng cho thú vui nuôi cá, chăm chim.
Trong căn biệt thự 9 tầng ở phố cổ Hà Nội, Chương Tailor đã chỉ ra 5 tỷ đồng để xây bể cá Koi ở ban công tầng 7.
“Đầu tư xây dựng một bể cá Koi ở tầng 7 tốn gấp nhiều lần bể cá ở mặt đất. Bản thân tôi sở hữu 3 bể cá Koi ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng đây là bể cá đòi hỏi sự nghiên cứu, thiết kế và xây dựng công phu, đắt đỏ nhất”, ông Chương cho biết.
Bể cá này rộng khoảng 16m2, chứa khoảng 20 khối nước. Các kiến trúc sư phải tính toán chi tiết hệ thống khung thép chịu lực và phương án chống thấm kỹ càng cho bể.
Sau khi hoàn thành được chiếc bể đủ tiêu chuẩn nuôi cá Koi ở tầng 7 của căn biệt thự, ông Chương sang Nhật tuyển chọn từng con cá. Hiện, 34 con cá trong bể có kích cỡ khoảng 40 - 60cm, kích cỡ phù hợp nhất với diện tích bể.
“Đó phải là những chú cá độc, lạ, hoạ tiết hoa văn đẹp, sắc nét, màu sắc bắt mắt, ngoại hình cân đối và khả năng bơi uyển chuyển. Mỗi con thường có giá vài chục triệu đồng. Ở các bể cá khác, tôi sở hữu những con giá lên tới 200 triệu với kích cỡ lớn gấp đôi ở đây nhưng tiêu chí tôi chọn cá cho bể này không phải quá to, quá lớn như thế”, ông Chương chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Quyết. |
Ông Trịnh Văn Quyết mở lối ngược dòng
Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC) vừa đăng ký mua thêm 35 triệu cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC. Với mức giá khoảng 4.500 đồng như hiện tại, ông Quyết sẽ phải bỏ ra khoảng 160 tỷ đồng.
Nếu giao dịch thành công, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nâng số lượng nắm giữ lên 200,43 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 28% vốn điều lệ Tập đoàn FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua cổ phiếu FLC trong bối cảnh cổ phiếu này tăng mạnh trong khoảng 4 tháng qua, từ mức khoảng 2.700 đồng/cp lên mức 4.500 đồng/cp như hiện tại. Tập đoàn này vừa báo cáo lãi lớn 577 tỷ đồng sau thuế trong quý III, tăng gấp gần 9 lần so với cùng kỳ. Tổng tài sản của FLC tại thời điểm cuối quý III đạt gần 37,232 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Ông Quyết hiện là chủ tịch hội đồng quản trị FLC. Thời gian qua, ông Quyết có rất nhiều lần mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp của mình.
Hồi đầu tháng 3/2020, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua 1,1 triệu cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (GAB), tương đương gần 8% cổ phần của doanh nghiệp này. Tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC cũng sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu GAB (tỷ lệ 8,99% vốn).