Bầu Đức lỗ nặng, đại gia thủy sản thu tiền tươi
Lợi nhuận Công ty HAGL của bầu Đức giảm mạnh, gia đình đại gia Chu Thị Bình sắp nhận về lượng lớn tiền mặt... là tin tức nổi bật trong tuần.
Bầu Đức lỗ nặng
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) ghi nhận hơn 700 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III vừa qua, tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 37% và cao hơn cả doanh thu khiến HAGL lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi dương 3,4 tỷ.
Kết quả, công ty của bầu Đức lỗ trước thuế 570 tỷ đồng quý III, trong khi cùng kỳ ghi nhận lợi nhuận dương 109 tỷ. Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp của công ty cũng là âm 568 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, HAGL đạt hơn 2.170 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% so với cùng kỳ nhưng lỗ sau thuế 702 tỷ, cao hơn 15%.
Năm nay, HAGL đặt kế hoạch doanh thu ở mức 5.082 tỷ nhưng dự kiến lỗ trước thuế 356 tỷ đồng. Như vậy, trong khi kế hoạch doanh thu chưa đạt một nửa thì công ty đã lỗ gần gấp đôi kế hoạch đề ra cả năm. Trong năm 2019 trước đó, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức cũng lỗ sau thuế gần 1.809 tỷ đồng.
Công ty của bà Đặng Thị Hoàng Yến lãi đậm nhất 10 năm
Doanh thu quý III/2020 của Công ty Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) giảm 38%, đạt 280 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng vọt và lập đỉnh 10 năm.
Nhờ giá vốn giảm sâu nên lợi nhuận gộp xấp xỉ 140 tỷ đồng, kéo theo tỷ suất sinh lời gộp lên đến 49%. Các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết kiệm vài lần so với cùng kỳ đã giúp lợi nhuận của Tân Tạo tăng 66%, đạt 113 tỷ đồng. Lần gần nhất công ty do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ lãi trăm tỷ theo quý là quý IV/2010.
Luỹ kế chín tháng đầu năm, Tân Tạo ghi nhận doanh thu 548 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh chính đều sa sút, theo lý giải của ban lãnh đạo, là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kết quả thu hút đầu tư không như mong đợi. Cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với trên 65%, phần còn lại đến từ cho thuê nhà xưởng, kho bãi, bán đất nền và cung cấp dịch vụ.
Tân Tạo báo lãi 9 tháng đạt 187 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch cả năm. Khoản lãi đậm trong quý III giúp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty vượt hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết lại chi hàng trăm tỷ gom cổ phiếu
Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (FLC GAB) cho biết ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC vừa tiếp tục mua vào lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp.
Trong 5 phiên giao dịch từ ngày 22/10 đến 28/10, ông Quyết mua tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu FLC GAB. Sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của doanh nhân này tại FLC GAB tăng từ 12,2% lên 24,5%. Ông Quyết hiện là cổ đông lớn duy nhất của doanh nghiệp.
Tạm tính theo mức giá cổ phiếu trong thời gian ông Trịnh Văn Quyết gom cổ phiếu FLC GAB, tổng số tiền đại gia này chi ra ước tính khoảng 320 tỷ đồng.
Trước đó, chủ tịch Tập đoàn FLC cũng vừa bỏ hơn 100 tỷ mua vào gần 600.000 cổ phiếu FLC GAB từ ngày 15/10 đến 20/10.
Trong cùng khoảng thời gian ông Trịnh Văn Quyết mua vào, Tập đoàn FLC lại thoái sạch vốn ở FLC GAB. Tập đoàn FLC bán ra toàn bộ 1,2 triệu cổ phiếu tại công ty này, tương đương 9% cổ phần, thu về khoảng 232 tỷ đồng.
FLC GAB có vốn điều lệ chỉ 138 tỷ đồng nhưng theo kế hoạch sẽ nhận sáp nhập Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros với vốn điều lệ gần 5.700 tỷ.
Trước đây, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông nắm quyền chi phối tại FLC Faros nhưng sau đó thoái dần vốn ở công ty này về dưới mức 5% cổ phần vào tháng 6.
Hiện tại Chủ tịch Tập đoàn FLC không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào tại FLC GAB.
Gia đình bà Chu Thị Bình sắp nhận 'tiền tươi'
Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Chu Thị Bình cùng gia đình đang quản lý tổng cộng 87 triệu cổ phiếu công ty và sẽ nhận về lượng lớn tiền mặt trong đợt chia cổ tức sắp tới.
Cụ thể, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/11 để chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%/mệnh giá (mỗi cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Ngày thanh toán dự kiện là 26/11. Với 200 triệu cổ phiếu, tổng số tiền Minh Phú chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là 300 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Chu Thị Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú với 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,5% cổ phần. Chồng bà Bình là Tổm giám đốc Lê Văn Quang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu công ty, tương ứng tỷ lệ 16% cổ phần.
Song song đó, các con của ông bà chủ Minh Phú cũng đứng tên 11,7 triệu cổ phần công ty. Ngoài ra, Công ty Đầu tư Long Phụng do ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình sở hữu 90% cổ phần cũng nắm giữ 8,2 triệu cổ phiếu Minh Phú.
Gia đình chủ tịch Minh Phú quản lý tổng cộng 87 triệu cổ phiếu, tương đương 43,5% cổ phần doanh nghiệp thủy sản này. Như vậy, tổng số tiền vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình cùng những thành viên trong gia đình nhận về trong đợt chia cổ tức sắp tới của Minh Phú ước tính khoảng 130 tỷ đồng.
Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu. Mới đây, Minh Phú bị Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) kết luận phải chịu thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ. Nguyên nhân là Minh Phú không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu để chứng minh công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ xuất khẩu đi Mỹ.
Công ty cho biết kết luận của phía Mỹ không dựa trên lập luận xác thực và sẽ sẽ thực hiện quyền kháng cáo.